Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng.

go xuat khau
(Ảnh minh họa: pxhere)

Trong 3 năm gần đây, thị trường Việt Nam ghi nhận xu hướng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế trong các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, tại Bình Dương có khoảng 600 doanh nghiệp chế biến gỗ thì chiếm 1/3 trong số đó là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Dòng dịch chuyển này của các doanh nghiệp Trung Quốc xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang leo thang, Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất cao đối với đồ gỗ Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp nước này chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam hoặc tạm nhập và tái xuất để “ngụy trang” xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước, trong đó có Mỹ.

Tương tự như sản phẩm tôn Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam, giới phân tích lo ngại xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các vụ kiện bán phá giá và lệnh trừng phạt từ thị trường Mỹ khi lượng xuất khẩu gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng đột biến.

“Điều này hoàn toàn không tốt cho ngành và ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam rất nhiều”, Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM từng bày tỏ tại một hội nghị ngành gỗ năm 2017.

Không những chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc còn có dấu hiệu tăng cường thu mua gỗ nguyên liệu từ các nước lân cận khiến nguồn cung gỗ từ Campuchia, Malaysia, Lào, Myanmar giảm mạnh. Có thời điểm cuối năm 2016, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc xuống tận các vườn cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ để thu gom gỗ nguyên liệu cao su, khiến doanh nghiệp nội lo ngại thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu.

Những áp lực về nguồn cung gỗ, thay đổi trong chính sách thương mại Mỹ và xu hướng dịch chuyển của các công ty gỗ Trung Quốc đã và đang tạo ra những sức ép lớn lên ngành gỗ Việt Nam.

Theo thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 45,5% kế hoạch xuất khẩu gỗ 9 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn chủ yếu là Mỹ, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Minh Sơn (T/h)

Xem thêm: