Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng hơn so với mức dự kiến trong tháng Một vừa qua, giá tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần 4 năm qua. Điều này có thể sẽ tác động đến khả năng tăng lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang (FED) trong kỳ họp tháng Ba tới.

doanh so ban le my 4
Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đang trở lại. (Ảnh: shutterstock)

Những dữ liệu mới được công bố hôm 15/2 đã củng cố thêm triển vọng tăng trưởng kinh tế, sản xuất và khai thác đã tăng hơn so với tháng trước khi mà giá dầu đã được kéo lên phần nào.

Theo Bộ Thương mại, doanh số bán lẻ tăng của Mỹ đã tăng 0,4 % trong tháng Một, chủ yếu là ở phân khúc hàng điện tử và ứng dụng. Các hộ gia đình cũng chi tiêu nhiều hơn để đi ăn hàng, mua đồ thể thao và các đồ sở thích cá nhân.

Doanh số bán hàng tháng 12 cũng được điều chỉnh mức tăng 1,0% thay vì báo cáo trước đó chỉ đưa ra con số 0,4%. Doanh thu vẫn tăng bất chấp sức mua xe cơ giới giảm mạnh nhất trong vòng 10 tháng qua.

So với tháng 1/2016, doanh số bán lẻ của Mỹ đang tăng lên 5,6%. Nếu không tính ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và các dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ tăng 0,4%.


Trong một báo cáo khác, Bộ Lao động cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6% trong tháng Một khi mà chi tiêu cho xăng, xe mô tô, vé máy bay và quần áo tăng lên. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2013. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng Một tăng 2,5% và đây là mức tăng mạnh nhất trong gần 5 năm qua, kể từ 2012.

Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng cao hơn khi giá nhiên liệu (giá xăng tăng gần 8%) và các hàng hóa khác tăng trở lại. Chỉ số giá năng lượng ở Mỹ cũng có mức tăng mạnh nhất trong 12 tháng qua (gần 11%).

Ngoài ra, một số hàng hóa và dịch vụ khác cũng đang có xu hướng tăng lên. Giá quần áo đã tăng 1,4% – mức cao nhất kể từ tháng 2/2009. Quần áo nam giới thậm chí còn đạt mức tăng kỷ lục. Giá xe cũng tăng 0,9% trong tháng Một, mức tăng mạnh nhất từ tháng 11/2009.

Nếu không tính giá các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI cốt lõi của Mỹ trong tháng Một tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Trước đó, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 14/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã đánh giá lạc quan về kinh tế Mỹ do tình hình thị trường việc làm tiếp tục cải thiện và lạm phát đang tiến dần đến mục tiêu 2% mà FED đề ra (mức lạm phát tính đến hết 2016 dừng ở mức 1,6%). Bà cũng tiết lộ khả năng sớm tăng lãi suất trong thời gian tới.

Thêm một báo cáo nữa của FED cho thấy sản xuất công nghiệp tăng 0,2% trong tháng Một, ngành mỏ tăng 2,8%; các ngành dầu và khí đốt cũng đang tăng lên.

Tuy nhiên, khi kinh tế trên đà tăng trưởng và kéo theo lạm phát thì thu nhập bình quân theo giờ điều chỉnh cho lạm phát cũng giảm 0,5% trong tháng Một, giữ nguyên so với mức năm ngoái.

Rõ ràng, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy niềm tin tiêu dùng đang trở lại, những chính sách của Trump bắt đầu mang đến khởi sắc cho kinh tế Mỹ, trong bối cảnh trì trệ và giảm phát kéo dài suốt thời gian qua.

Minh Ngọc

Xem thêm: