Tuần tới, giới lãnh đạo kinh tế hàng đầu của Mỹ sẽ gặp gỡ đối tác Trung Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh G-20, và một trong những thách thức khó khăn của họ có thể chính là tìm ra tiếng nói chung về chính sách ngoại hối.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Tổng thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ (CNY), giảm giá đồng tiền này nhằm hưởng lợi trong giao dịch thương mại quốc tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực tế đã không ít lần can thiệp vào kiểm soát tỷ giá. Đây là lý do mà đại diện của Mỹ trong Hội nghị các lãnh đạo kinh tế nhóm G20 tại Đức vào ngày 17-18 tháng 3 tới muốn giành được sự ủng hộ trong việc đề xuất tự do hóa đồng CNY, tránh việc đồng tiền này tiếp tục mất giá, đẩy tình trạng thâm hụt thương mại của các nền kinh tế có giao thương với Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.

Ông Patrick Chovanec, giám đốc chiến lược của Silvercrest Asset Management ở New York, từng làm việc tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho hay: “Đây không phải hành động chụp mũ Trung Quốc trong việc họ kiểm soát đồng CNY, mà thực tế họ đã và đang làm như vậy rồi.” Vấn đề đặt ra làm sao có thể truyền đạt rằng “đó đúng là những gì mà chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc thực hiện”.

Mỹ và Đức nhiều lần ủng hộ những động thái hướng tới tự do hóa tỷ giá đồng tiền Trung Quốc theo thị trường. Hôm Chủ nhật vừa rồi, trong kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết sẽ “tự do hóa đồng CNY hơn nữa”. Vấn đề là sự thúc đẩy thị trường hiện nay làm suy yếu đồng CNY, một xu hướng dẫn đến nguy cơ không chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong thương mại mà còn làm suy yếu kinh tế Trung Quốc khi xu hướng tháo chạy của dòng vốn đầu tư tháo khỏi nền kinh tế này ngày một lớn. Bên cạnh đó, tự do hóa  đồng CNY cũng gây xáo động thị trường tiền tệ khu vực và thế giới.

Tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho rằng việc Trung Quốc thao túng tiền tệ dường như không phải là vấn đề cấp bách (thao túng được hiểu là thúc đẩy thương mại nhân tạo). Mặt khác, ông Trump luôn coi Trung Quốc là “nhà vô địch” về thao túng tiền tệ.

Trong khi đó, việc đồng USD hồi phục đang gây áp lực lên đồng CNY, khiến đồng tiền này giảm 0,4% trong tuần qua, giao dịch ở mức 6.8978 so với USD trong chiều thứ Ba (ngày 7/3) tại Thượng Hải. Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang FED tháng 3 này cũng sẽ khiến các vấn đề về tiền tệ được chú trọng hơn trước thềm hội nghị G-20 sắp tới. Đây cũng chính là lần đầu tiên Mnuchin tham gia trên mặt trận này.

Không cần đến “thao túng”, đồng CNY sẽ mất giá hơn khi tự do hóa tỷ giá

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm 25% kể từ khi đạt mức 4 nghìn tỷ USD vào năm 2014. Con số này bất ngờ tăng lên mức 3.005 nghìn tỷ USD vào tháng 2, sau 6 tháng dự trữ ngoại tệ liên tiếp sụt giảm, đồng thời báo hiệu sự kiểm soát vốn chặt chẽ hơn của Trung Quốc.

Năm ngoái, các nhà lãnh đạo nhóm G-20 đã đi đến một phương án thống nhất về tỷ giá hối đoái, khi mà Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo luân phiên của nhóm và các nhà lãnh đạo tài chính cố gắng bỏ qua những chi tiết nhỏ để đạt được đồng thuận lớn hơn. Một bản dự thảo tuyên bố G-20 cho cuộc họp tuần tới cho hay các nhà lãnh đạo “tái khẳng định cam kết duy trì tỷ giá trước đây”, cũng không nhắc đến việc tránh sử dụng đồng tiền vào mục đích cạnh tranh.

Trước năm 2014, việc kêu gọi tự do hóa đồng CNY còn được đánh giá đúng, khi Trung Quốc đang có thặng dư tài khoản vãng lai nhiều hơn trước khi dòng vốn chảy ra. Với tình hình đảo ngược hiện nay, thông điệp kêu gọi này từ các quốc gia phát triển, và đặc biệt là Mỹ, đã trở nên phức tạp hơn.

Brad Setser, một chuyên gia cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: “Hiện tại mối quan tâm của cả hai quốc gia đều ở chỗ làm sao Trung Quốc tránh khỏi tình trạng giảm giá đồng tiền thêm nữa.” “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng” dừng can thiệp vào thị trường hối đoái của họ.

Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo năm 2017, đồng CNY có thể tiếp tục mất giá đến 5%.

Minh Nhật (Theo Bloomberg)

Xem thêm: