Truyền thông trong nước ngày 20/6 dẫn thông tin về một đợt cắt giảm nhân sự quy mô lên tới hàng nghìn người, tại một doanh nghiệp FDI ở TP.HCM. Khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa trở lại bình thường, châu Mỹ vẫn là “tâm dịch” của thế giới, thì doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt nhiều nguy cơ bất ổn. 

pouyuen viet nam cho cong nhan nghi viec
Hơn 3.000 công nhân vừa “thoát” đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn tại Công ty PouYuen Việt Nam. (Ảnh: baobaohiemxahoi.vn)

2.786 lao động tại một doanh nghiệp phải nghỉ việc

Trong thông báo vào sáng 20/6, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng đã cắt giảm đơn hàng. Tình hình đơn hàng đến quý 3 và 4/2020 vẫn không khả quan, các giải pháp khắc phục (sắp xếp công nhân nghỉ chờ nguyên liệu, ngừng việc luân phiên…) không hiệu quả. Theo đó, công ty cho biết buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Đầu tháng 6, công ty đưa ra con số cắt giảm dự kiến là 5.969 lao động tại các bộ phận không có đơn hàng, đến ngày 20/5, thông báo rút xuống 2.786 lao động (83% lao động nữ  – 2.321 người và 17% lao động nam – 465 người). Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với số công nhân trên từ ngày 5/8.

Trong 2.786 lao động phải nghỉ việc, có 2.347 công nhân tại các tỉnh, chiếm 84,24%.

Theo thông báo của công ty, kể từ ngày nhận thông báo chấm dứt HĐLĐ (ngày 20/6) đến ngày 5/8, công nhân không phải đến công ty làm việc, công ty trả đủ lương (mức lương theo hợp đồng) vào các ngày thanh toán lương hàng tháng.

Ngoài việc trả các chế độ theo pháp luật, công ty sẽ trả cho người lao động mỗi năm làm việc cho công ty 1 tháng lương (bình quân của 6 tháng cuối cùng trước khi chấm dứt HĐLĐ). Thời gian để tính trợ cấp này không tính vào thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản tiền trợ cấp thôi việc này và tiền phép năm (nếu có), công ty sẽ trả trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. Ngày 22/8, công ty sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động và trả dứt điểm các chế độ liên quan.

Đây là cuộc cắt giảm nhân sự quy mô lớn đầu tiên được công bố kể từ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trở lại hoạt động bình thường sau thời gian ngừa dịch COVID-19.

Công ty PouYuen Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Đài Loan) hoạt động tại TP.HCM từ năm 1997 đến nay, chuyên sản xuất giày thể thao và nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành giày. Vào thời điểm chưa cho công nhân nghỉ việc, công ty có quy mô hơn 62.000 người lao động.

Theo đánh giá của Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, 88,7% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng ở mức xấp xỉ, lần lượt là 87,3% và 85,5%. Đáng lưu ý, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất cao như hàng không bị ảnh hưởng 100%, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch (lưu trú, ăn uống, lữ hành…), giáo dục và đào tạo gần, dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô bị ảnh hưởng từ trên 90% đến 97%.

Đầu tháng 6, Cục Việc làm (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) đưa ra dự báo tới cuối năm 2020, nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến tích cực, ít nhất 3 triệu lao động tại Việt Nam có thể mất việc. Với kịch bản xấu nhất, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến xấu, tác động nghiêm trọng đến Việt Nam thì 90% số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, con số người lao động bị mất việc có thể lên tới 6,1-7,2 triệu người.

Bất ổn xã hội, số cuộc đình công tăng cao

Theo số liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra vào sáng 22/6, tính đến hết tháng 4, có 5.681 doanh nghiệp và 1.310 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp quy mô sản xuất, kéo theo hơn 461.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm.

Một số doanh nghiệp tìm các biện pháp để người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong khi doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu (tập trung ở các ngành dệt may, da giày…) bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu… vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho một bộ phận người lao động nghỉ việc…

Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng cộng đã xảy ra 91 cuộc đình công, tăng 25 cuộc so với cùng kỳ năm 2019. Con số này tương đương với 75% tổng số cuộc đình công trong cả năm 2019 (121 cuộc).

Nguyên nhân đình công được cho là do sản xuất đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; do người lao động không đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc lương, thưởng không hợp lý, chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo,…

Quy mô lớn nhất là cuộc đình công kéo dài trong 3 ngày (27-30/5) của 8.000 công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (DN 100% vốn Đài Loan, tại khu phố Mỹ Hiệp, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) khi biết tin công ty sẽ cho một số lao động nghỉ việc, ngừng việc trong tháng 7/2020 do thiếu đơn hàng nhưng không đề cập đến tiền lương của người lao động.

Đừng để “doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn”

* Các ý kiến được đại biểu Quốc hội là chủ doanh nghiệp và chính trị gia đưa ra tại buổi thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 13/6/2020.

Ông Nguyễn Như So – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam:

“Trên 36.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra liệu đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thay đổi tư duy? Dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách vận hành cũ để thích nghi với phát triển trong tình hình mới.

(…)

Thứ nhất, cần quan tâm đến chính sách dòng tiền. Có tiếp cận được dòng tiền thực thì doanh nghiệp mới kích hoạt được cỗ máy kinh doanh tái khởi động.

Trên thực tế, dù lãi suất điều hành đã giảm nhưng lãi suất cho vay thực tế đến các doanh nghiệp và các tổ chức là do các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại quyết định. Do vậy, cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn đến doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền.

Thứ hai, ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời hạn hỗ trợ hợp lý, xác định ngành ưu tiên hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi và sự ổn định của đầu ra để góp phần nâng đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp khác.

Cần đột phá về cải cách điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang khâu hậu kiểm, cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất hơn.

Khơi thông thị trường thông qua hoạt động thương mại điện tử, kích cầu thị trường nội địa 100 triệu dân để tận dụng tối đa dư địa phát triển, hình thành phát triển mạnh mẽ chuỗi liên kết thuần Việt, chủ động nguồn cung cầu mặt hàng thiết yếu, giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Có chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khâu chế biến nông sản, thu hoạch, chế biến sâu, vừa giải quyết được bài toán ùn ứ do không xuất khẩu được, vừa điều tiết được thị trường trong nước không lặp lại điệp khúc giải cứu.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tái đào tạo, đào tạo, tích lũy nguồn vốn con người…

Thứ bốn, bên cạnh những nhóm giải pháp ở trên, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đóng góp 45% GDP, 31% thu ngân sách, tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương do vốn, năng lực hạn chế.

Việc triển khai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ gây khó khăn với ngân sách nhà nước, tuy nhiên cứu sống doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách là khoản đầu tư lâu dài, bền vững…”

Ông Hoàng Quang Hàm, Đại biểu Quốc hội (đoàn Phú Thọ):

“… Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra. Để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021.

(…)

Tôi sẽ bấm nút thông qua việc giảm 30% thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng vẫn còn đó nỗi băn khoăn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng chính sách này.

Các doanh nghiệp lỗ hoặc dừng hoạt động không được hưởng chính sách này chiếm bao nhiêu phần trăm, đã đủ chính sách khác để khôi phục hoạt động chưa?

Có công bằng không khi một doanh nghiệp thừa tiêu chí lao động chẳng hạn sử dụng 150 lao động nhưng doanh thu vượt ngưỡng một chút, ví dụ là 55 tỷ không được hưởng chính sách, trong khi doanh nghiệp sử dụng ít lao động hơn nhiều, có doanh thu ít hơn một chút lại được hưởng chính sách. Việc không phân biệt doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ thương mại không phân biệt có bị giảm lãi hay không, liệu có công bằng không?”

Sơn Nguyên