Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho hay “vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu…”. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhận định vấn đề đội vốn là do chủ đầu tư, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm tham gia.

đường sắt cát linh hà đông, dự án đội vốn
Cả 5 dự án đường sắt đô thị đều có số vốn tăng 2-3 lần so với phê duyệt đầu tư ban đầu và đều chậm tiến độ. Ảnh: Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, 2016. (Ảnh: Đào Mạnh Sơn/en.wikipedia.org)

Tại phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu câu hỏi: Trong điều kiện nguồn vốn trong nước khó khăn nhưng việc sử dụng vốn vay ODA làm 5 dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM đều còn vấn đề, chậm trễ, đội vốn tới 80.000 tỷ – trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trước 2018, nhiệm vụ quản lý vốn ODA thuộc Bộ KH-ĐT, sau đó Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ đầu mối đàm phán ký kết, còn lại vấn đề đầu tư, sử dụng nguồn vốn này dự án nào thì vẫn thuộc Bộ KH-ĐT. Theo đó, có rất nhiều khâu Bộ Tài chính không thể quyết định mà một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn chính là do khâu giao dự toán, làm kế hoạch chậm… Nhân đây, ông mong Quốc hội giao lại nhiệm vụ một cách chặt chẽ, hợp lý hơn.

Về cụ thể dự án đường sắt đô thị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay vấn đề đội vốn là do chủ đầu tư, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm tham gia.

Cùng tham gia trả lời, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chưa lường hết được các vấn đề.

Cụ thể, các dự án đều phải điều chỉnh, tăng vốn rất lớn như dự án đường sắt số 1, Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ. Tuyến đường sắt số 2 của thành phố  cũng sẽ tăng như thế. Tương tự, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỷ đồng.

“Như thế thì vấn đề không hẳn là đội vốn mà do các cơ quan chưa tính hết các chi phí từ đầu vì vấn đề thay đổi quy mô dự án”, Bộ trưởng KH-ĐT nói.

Theo đó, chuyện phải xử lý lúc này là vấn đề điều chỉnh vốn ở các dự án kéo theo nhiều hệ lụy như tìm nguồn vốn bổ sung, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào…

Ông Dũng cho biết tuyến Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM hiện đã có hướng giải quyết, đã thu xếp được nguồn vốn cân đối, giờ đang chờ TP.HCM hoàn thành thủ tục theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT; mặc dù vậy, nếu không tháo gỡ được vướng mắc, dự án càng để chậm thì chi phí sẽ càng tăng.

Trước đó, trả lời chất vấn vào tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém của các dự án của ngành giao thông vận tải. Ông Thể cho hay đa số dự án đội vốn đều rơi vào đường sắt đô thị. Lý do vì các dự án được phê duyệt trước năm 2008, đến năm 2008 – 2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, sang năm 2009 trượt giá gần 20%, từ năm 2009 – 2013 trượt giá khoảng 49%. Do trượt giá, thay công nghệ mới, thay đổi chủ trương, quy mô đầu tư nên dự án một số hạng mục có đội vốn.

Cụ thể, theo báo cáo gửi Quốc hội đầu kỳ chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ, đội vốn hơn 81.000 tỷ đồng.

Trong đó, 2 dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương có số vốn đội nhiều nhất, 29.937 tỷ đồng và 21.775 tỷ đồng. Ba dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, gồm Nhổn – Ga Hà Nội; Cát Linh – Hà Đông và Yên Viên – Ngọc Hồi có số vốn tăng thêm lần lượt là 14.052 tỷ, 9.232 tỷ và 5.602 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, chất lượng việc lập, thẩm định dự án đầu tư kém là nguyên nhân chính dẫn tới việc đội vốn các dự án. Riêng các dự án đường sắt đô thị là loại hình mới, do thiếu kinh nghiệm nên các tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế. Điều này dẫn tới việc dự án phải điều chỉnh nhiều nội dung không phù hợp với thiết kế cơ bản ban đầu, như mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm, kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao, bổ sung kết cấu nhà ga ngầm… Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư cũng làm tăng tổng mức đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trách nhiệm của việc đội vốn thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.

Tình trạng dự án ODA gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra, về việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tồn tại những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, như tình trạng giải ngân thấp so với kế hoạch giao, một số dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, gây nên nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế , như dự án đường sắt Hà Nội – Hà Đông, các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM đội vốn, chậm tiến độ, một số dự án đường cao tốc…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, cần có phương án xử lý để giải quyết đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Nguyễn Quân

Xem thêm: