Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai là một phần của hành lang kinh tế Đông – Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam). Tuy nhiên, hiện đường sắt ở Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, trong khi đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng ở Việt Nam vẫn là đường khổ 1.000 mm…

tuyến đướng sắt lào cai hải phòng hà nội
Tàu qua ga Bảo Hà (Lào Cai). (Ảnh: baolaocai.vn)

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) Lê Tuấn Anh mới đây cho biết Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư và triển khai một số dự án nhằm tăng cường kết nối đường sắt trong khối ASEAN.

Trong đó, tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh (Trung Quốc) (SKRL) là mục tiêu quan trọng để tăng kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN và giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.

Hệ thống đường sắt Singapore – Côn Minh (SKRL) dài 7.000 km, có mục tiêu là kết nối và thúc đẩy giao thương giữa Côn Minh với thủ đô của 7 nước ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam. Năm 2015, Indonesia xin gia nhập và đề xuất kéo dài tuyến đến nước này, nâng tổng số quốc gia tham gia dự án lên 9 nước.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt xuyên Á SKRL sẽ kết nối từ Singapore qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi kết thúc tại Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Nếu hoàn thiện, mạng lưới này sẽ giúp kết nối thẳng từ Trung Quốc tới Singapore mà không cần đi qua biển Đông.

Tại thời điểm năm 2016, theo Bộ GTVT, Việt Nam có 5 đoạn giao nối với mạng đường sắt SKRL: Lào Cai (kết nối với Trung Quốc) – Hà Nội có tổng chiều dài 296 km (năm 2016 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ năm 2017); tuyến Hà Nội – TP.HCM dài 1.726 km; tuyến TP.HCM – Lộc Ninh (kết nối với Campuchia) dài 129 km; tuyến Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ (kết nối với Lào) dài 119 km; tuyến Cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo (kết nối với Lào) dài 114 km.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT), Việt Nam đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt thuộc dự án đường sắt SKRL như tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tuyến Hà Nội – TP.HCM, tuyến Yên Viên – Cái Lân.

Việt Nam cũng tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh, tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến TP.HCM – Cần Thơ. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam – dự án đường sắt có quy mô vốn đầu tư lên tới 58,7 tỷ USD – đang được Bộ GTVT hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi.

Đáng lưu ý, riêng đối với tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2017, Bộ GTVT nhận định tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai là một phần của hành lang kinh tế Đông – Tây nối Côn Minh (Trung Quốc) với Hải Phòng (Việt Nam).

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt khổ 1.435 mm tiêu chuẩn Côn Minh – Hà Khẩu Bắc đã được phía Trung Quốc xây dựng xong và đưa vào khai thác vào năm 2015, trong khi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới đang trong gia đoạn nghiên cứu. Do vậy, khi phía Trung Quốc dỡ bỏ tuyến đường sắt khổ 1.000 mm để chuyển sang khai thác hoàn toàn đường sắt khổ tiêu chuẩn thì việc kết nối đường sắt phía Việt Nam sẽ không thực hiện được.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu giải pháp hợp lý trong giai đoạn quá độ khi Việt Nam chưa xây dựng đường sắt khổ 1.435 mm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu quy hoạch dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng mới (chiều dài toàn tuyến khoảng 392 km) khổ 1.435 mm với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông đường sắt từ năm 2010 đến 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có việc phát triển tuyến đường sắt SKRL tại Việt Nam như đầu tư xây dựng mới tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, nâng cấp các tuyến Hà Nội – Lào Cai, tuyến Hà Nội – TP.HCM, tuyến Yên Viên – Cái Lân…

Một số tuyến đường sắt SKRL tại khu vực ASEAN

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT), trong khu vực ASEAN, một số tuyến đường sắt đang được nâng cấp hoặc xây mới để kết nối với tuyến SKRL như:

  • Dự án khôi phục tuyến đường sắt kết nối Campuchia với Thái Lan (đã hoàn thành đưa vào khai thác)
  • Dự án tuyến đường sắt Viên Chăn – Boten (Lào) kết nối với đường sắt Trung Quốc (đã xây dựng hoàn thành 80% khối lượng và theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác năm 2021)
  • Dự án tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) của Malaysia (đang triển khai)

Các nước cũng đang hoàn thiện nghiên cứu khả thi và thiết kế chi tiết đối với các tuyến đường sắt kết nối ngang của tuyến SKRL giữa Myanmar – Thái Lan và Việt Nam – Lào.

Trong đó, Việt Nam và Lào đang triển khai tuyến đường sắt Vũng Áng – Viên Chăn (tổng chiều dài dự kiến 555 km); tìm kiếm hỗ trợ để thực hiện nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo để kết nối tới Savanakhet (Lào).

Tháng 3/2019, giám đốc Đường sắt Lào Somsana Ratsaphong cho biết tuyến đường sắt nối Trung Quốc và Lào (chiều dài gần 420 km) đã hoàn tất một nửa, dự kiến sẽ đi vào vận hành tháng 12/2021.

Dự án này thuộc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một mảnh ghép quan trọng trong tuyến đường sắt kết nối từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và kết thúc ở phía nam Singapore.

Dự án trị giá 7 tỷ USD, Trung Quốc chịu 70%, còn Lào chi trả 30% nhờ các khoản vay từ các tổ chức tài chính của Trung Quốc.

Nguyễn Quân

Xem thêm: