Tiến độ hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng, liên danh Hyundai (Hàn Quốc) – Ghella (Ý) yêu cầu chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội bồi thường 114,7 triệu USD.

du an nhon ga hanoi
Các đoàn tàu đang được lắp ráp tại nhà ga Nhổn trước khi chạy thử nghiệm, tháng 10/2021. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Tại báo cáo gửi Quốc hội về tình hình các dự án đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ cho hay cả 6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đều chậm tiến độ.

Chủ quản các dự án gồm:

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – chủ quản đầu tư 2 dự án tuyến Cát Linh-Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi);

TP Hà Nội – chủ quản đầu tư 2 dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo;

UBND TP.HCM – chủ quản đầu tư 2 dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, đoạn Bến Thành-Suối Tiên; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Bến Thành-Tham Lương.

Trong đó, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội có tổng mức đầu tư phê duyệt là 783 triệu Euro, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu Euro, tăng gần 400 triệu Euro (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng).

Nguồn vốn sử dụng là vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ, gồm: Chính phủ Pháp; Cơ quan phát triển Pháp – AFD; Ngân hàng đầu tư châu Âu – EIB; Ngân hàng phát triển châu Á – ADB và nguồn vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội.

Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, dự án được bắt đầu vào năm 2009, hoàn thành vào năm 2018. Do tiến độ giải phóng mặt bằng toàn tuyến bị chậm, UBND TP Hà Nội điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án sang năm 2022 (trong đó tháng 4/2021 sẽ khai thác, vận hành đoạn trên cao; tháng 12/2022 khai thác, vận hành toàn tuyến).

Tiến độ chung của dự án hiện đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.

Vướng mắc mặt bằng chủ yếu tại nhà số 23 Quốc Tử Giám (ảnh hưởng thi công ga S11) và chậm trễ đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm.

Liên danh nhà thầu Hyundai – Ghella đã giảm khối lượng trên công trường từ tháng 6/2021 đồng thời ra văn bản thông báo tạm dừng công việc. Ngoài ra, nhà thầu này đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD (khoảng 2.500 tỷ đồng); đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND TP Hà Nội chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không tiếp tục công việc tại dự án và tiến hành các thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.

Theo Thanh Niên, trao đổi vào sáng 29/10, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND TP Hà Nội (MRB) xác nhận thông tin trên, cho biết liên danh nhà thầu Hyundai – Ghella đã yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD do dự án Nhổn – ga Hà Nội chậm tiến độ mặt bằng.

Ông Hiếu cho biết theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được bù đắp thiệt hại do không phải lỗi gây ra. Tuy nhiên, thiệt hại phải được chứng minh bằng thực thanh thực chi. Liên danh nhà thầu Hyundai – Ghella từ trước đến nay đưa ra những khiếu nại liên quan đến đền bù. Đây là con số nhà thầu đơn phương đưa ra.

Cùng ngày 29/10, ông Nguyễn Cao Minh, trưởng Ban đường sắt đô thị Hà Nội cho hay nhà thầu có quyền khiếu nại nhưng phải có bằng chứng chứng minh thiệt hại, còn hiện chủ yếu dựa trên những tính toán chủ quan, theo Cafef.

Mặc dù vậy, ông Minh thừa nhận dự án có vấn đề và có khả năng phải chi trả bồi thường, dù bác bỏ con số 114,7 triệu USD.

“Hiện nay, trên thực tế là có việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu nên đã kéo dài thời gian và ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn dự án. Tuy nhiên, việc phải bổ sung thêm bao nhiêu tiền cho nhà thầu thì cần phải xem xét trên hợp đồng đã ký và buộc nhà thầu phải chứng minh được các lỗi không thuộc về mình. Nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện đền bù hết số tiền phía nhà thầu yêu cầu”, ông Minh nói.

Tháng 4/2019, liên danh Hyundai – Ghella đòi bồi thường do dự án chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng thi công và dẫn đến nhiều khoản kinh phí phát sinh. Số tiền yêu cầu bồi thường khoảng 81 triệu USD. Tới nay, khoản đòi bồi thường đã tăng lên 114,7 triệu USD.