Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sắp tới sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Theo báo cáo giám sát năm 2022, Hà Nội triển khai 266 dự án quy mô từ 2ha trở lên thì có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, chiếm 63%.

bat dong san chung cu bat dong san tp.hcm can ho thi truong 485182672
Trong năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội ra quyết định phạt và thu về khoảng 2,7 tỷ đồng đối với các sai phạm. (Ảnh minh họa: Tuleyhcm/Shutterstock)

Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các quận, huyện gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm và Ứng Hòa.

Đồng thời, cơ quan này sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại ủy ban nhân dân một số xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị có liên quan; thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị.

Theo báo cáo giám sát năm 2022 của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Hà Nội triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.

Tại nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa;… Đáng chú ý là việc thiếu bãi đỗ xe xảy ra ở hầu hết dự án, trong tổng số 107 dự án bãi đỗ xe đang nghiên cứu, chỉ có 57 dự án đã hoàn thành.

Những dự án còn lại đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư do năng lực tài chính một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất định hướng giữ đất không thực sự đầu tư.

Một số khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng.

Trong năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng cho hay đã thực hiện 12 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng đối với 105 dự án về việc chấp hành quy định của pháp luật trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Qua đó, Thanh tra Sở đã ban hành 45 Quyết định xử phạt không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường với số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2022, Đoàn giám sát Quốc hội khoá XV cho biết những sai phạm tại các dự án đầu tư công đã gây thất thoát, lãng phí 31.795 tỷ đồng, chưa kể tình trạng hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, có xu hướng tăng dần qua các năm.

Ngoài ra, hàng nghìn dự án đầu tư công đang chậm tiến độ, có xu hướng tăng dần qua các năm. Số dự án chậm tiến độ trong năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, theo tổng hợp từ báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021.

Trong đó, hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình là: Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt số 1: Bến Thành – Suối Tiên; Tuyến đường sắt số 2: Bến Thành – Tham Lương,…

Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Điển hình như tỉnh Bình Dương có 55 dự án chậm tiến độ; 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Trong đó, có 109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện không phù hợp được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý là trên 442 tỷ đồng.

Đức Minh