Theo báo cáo về quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô ra nước ngoài và thu về hơn 1,07 triệu USD.

Dự trữ xăng dầu kho dự trữ xăng dầu nguồn dự trữ xăng dầu chinhphu.vn 1
Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đủ tiêu thụ 6,5 ngày dù là quốc gia xuất khẩu dầu thô. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Tại báo cáo trên, Bộ Công thương cho biết Việt Nam có 2 nguồn dự trữ xăng dầu gồm Dự trữ quốc gia và Dự trữ lưu thông. Trong vòng 5 năm qua, với sức tiêu thụ bình thường, lượng dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp (dự trữ lưu thông) bảo đảm tình hình cung ứng cho thị trường.

Tuy vậy, quy định các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải bảo đảm 20 ngày Dự trữ lưu thông nhiều thời gian không đạt.

Đáng chú ý, khi có trục trặc về nguồn cung xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hồi đầu năm 2022 đã khiến bộc lộ nhiều trường hợp cây xăng “hết xăng”. Điều này chứng tỏ Dự trữ lưu thông của doanh nghiệp còn thấp.

Trong khi đó, Dự trữ xăng dầu quốc gia so với nhu cầu thực tế, mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,25 triệu tấn dầu thô và thu về hơn 1,07 triệu USD.

Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho hay từ nay đến năm 2025 sẽ có kế hoạch thuê kho dự trữ của doanh nghiệp để nâng mức Dự trữ quốc gia lên 30 ngày. Nguyên nhân là “nguồn lực Nhà nước hiện có hạn” nên không thể nâng dự trữ lên ngay lập tức và sẽ phải dần dần đầu tư kho riêng của Nhà nước để dự trữ xăng dầu.

Tại buổi chất vấn của Quốc hội vào tháng 3 năm nay khi tình hình xăng dầu nhiều bất ổn, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này có dự trữ đúng với quy định không, nhất là những doanh nghiệp này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia. Mà làm dự trữ quốc gia lại còn được hưởng ngân sách nhà nước để bảo quản”.

Đáng lưu ý, ông Huệ nêu thêm: “Các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì có phải chỉ có dự trữ quốc gia đâu! Anh không thể nói 1-2 ngày mất nguồn cung mà anh không có xăng bán được. Vậy đơn vị ấy dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật như thế nào?”

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên Diên trả lời: “Về việc các doanh nghiệp có dự trữ hay không, thì vẫn xăng dầu ấy, để ở kho ấy thì thật sự đây là một ‘ẩn số’”“Chúng tôi nghĩ rằng nếu sớm có được cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối thì chắc chắn sẽ tốt”.

Nội dung này cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập trong phần trả lời nối tiếp. Ông này thừa nhận: “Thật ra chúng ta chưa tách dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Chính hiện nay cơ quan quản lý cũng không biết được là 33 thương nhân đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà đang thuộc gói quản lý không, cũng chưa khẳng định được.

Đức Minh