Chính quyền Đức đã chặn hai thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc mua hai nhà máy bán dẫn vào hôm Thứ Tư 9/11, vì quan ngại mối đe dọa “trật tự và an ninh công cộng”. Theo lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế, “Đức đang và sẽ luôn là nơi mở cửa chào đón đầu tư,” nhưng mà sẽ “không ngây thơ”.

shutterstock 1501235957
(Ảnh minh họa: Gorodenkoff/ Shutterstock)

Có hai thương vụ mà chính quyền không cho phép. Một là tiếp quản một nhà máy của công ty Elmos tại Dortmund, bán cho Silex Thụy Điển – một công ty con thuộc tập đoàn Sai Microelectronics Trung Quốc. Công ty Elmos cho hay dự kiến bán một nhà máy sản xuất wafer từ cuối năm ngoái. Bộ Thương mại Đức đã từng thông báo cho các bên đại diện là thương vụ trị giá 85 triệu Euro này sẽ được thông qua. Nhưng sau đó với lý do rằng công nghệ chip rò rỉ sang cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đe dọa “trật tự và an ninh công cộng” của Đức, Chính phủ liên bang đã ra quyết định chặn lại thương vụ này vào hôm Thứ Tư.

Sai Microelectronics cho biết họ “rất lấy làm tiếc” về quyết định này. Chỉ số trên sàn của họ giảm hơn 9% trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Trung Quốc lên tiếng chỉ trích quyết định này của Đức là “không công bằng”.

Cùng với thương vụ của Elmos, hôm Thứ Tư (9/11) Chính phủ Đức cũng quyết định chặn thương vụ về một nhà máy bán dẫn của ERS Electronic có trụ sở tại Bavaria. Người phát ngôn của ERS Electronic cho biết chưa có kế hoạch bán, nhưng họ đã tìm hiểu lựa chọn nhận vốn đầu tư từ một công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc. Theo lời Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck (đảng viên Đảng Xanh), thì vì lý do bảo mật thông tin, nên hiện chưa công bố thông tin chi tiết hơn nữa.

Các quyết định được đưa ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm xung quanh mối quan hệ giữa Berlin và Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội), người đã đến thăm Trung Quốc vào tuần trước, đang cố gắng cân bằng việc thúc đẩy tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu với việc giải quyết các lo ngại về an ninh và giảm sự phụ thuộc thương mại của Đức vào Trung Quốc. Chính phủ Đức đang xem xét lại chính sách của mình đối với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, bộc lộ ra phụ thuộc nặng nề của Đức vào khí đốt của Nga.

Ông Habeck cho biết: “Chúng ta phải xem xét chặt chẽ việc tiếp quản công ty, khi nói đến cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc khi có nguy cơ công nghệ chảy sang người mua từ các nước không thuộc EU”.

“Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, điều quan trọng đối với chúng tôi là bảo vệ chủ quyền công nghệ và kinh tế của Đức và châu Âu. Tất nhiên, Đức đang và sẽ luôn là nơi mở cửa chào đón đầu tư, nhưng chúng tôi cũng không ngây thơ.”

Phát biểu với báo giới sau quyết định này, ông Habeck đưa ra nhận định rằng Trung Quốc đang triển khai “một tiếp cận có dụng ý và mang tính chiến lược, vừa để khám phá tri thức vừa để ảnh hưởng kiểm soát sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và microchip.”

Thiên Đức (T/h)