Trong 5 năm qua, nền kinh tế Đức tăng trưởng không đáng kể, khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng yếu hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Theo phân tích của các kênh truyền thông nước ngoài, 4 yếu tố lâu nay thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất Đức đã bị suy yếu và đất nước được mệnh danh là đầu tàu kinh tế châu Âu này đang trên đà suy thoái.

Kinh tế nước Dức
Đức, đất nước được mệnh danh là đầu tàu của nền kinh tế châu Âu, đang trên bờ vực suy thoái sau khi những yếu tố thúc đẩy nền sản xuất của Đức suy yếu. (Ảnh ghép)

Theo một bài viết trên Wall Street Journal vào ngày 28/7, từ lâu thành công của ngành sản xuất Đức dựa vào 4 yếu tố chính gồm năng lượng giá rẻ của Nga, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, lao động trong nước hiệu quả và thương mại toàn cầu tự do, cởi mở.

Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ, nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và muốn thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, Đức đã thúc đẩy việc sử dụng dầu và khí đốt của các công ty Nga, sự phụ thuộc của nước này cũng tăng lên hàng năm khi họ muốn tiết kiệm chi phí. Cho đến gần đây, Đức đã nhập khẩu hơn 55% khí đốt tự nhiên, 50% than và 35% dầu từ Nga.

Giới chức và công ty của Đức đang lo lắng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và cập nhật cơ sở hạ tầng năng lượng trong nước. Nhưng phần lớn đã bị đình trệ sau quyết định của Đức về việc loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than cách đây vài năm.

Đối với ngành sản xuất lớn của Đức, tình hình càng trầm trọng hơn. Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố vào tháng Bảy, gần 1/6 các nhà sản xuất Đức đang giảm, hoặc từ bỏ sản xuất do giá năng lượng cao.

“Những con số này thật đáng kinh ngạc.” Chủ tịch DIHK, ông Peter Adrian, cho biết nhiều công ty nhận thấy họ không còn khả năng chuyển đủ chi phí cho khách hàng thông qua việc tăng giá.

Giá năng lượng cao gấp 10 lần so với trước chiến tranh

Heinz-Glas, nhà sản xuất thủy tinh 400 năm tuổi của Đức, sản xuất 1/4 chai nước hoa trên thế giới, có khách hàng là công ty Estée Lauder và tập đoàn L’Oréal. Công ty này cho biết, họ có thể sẽ buộc phải chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nơi có nguồn lao động dồi dào hơn và năng lượng rẻ hơn.

Công ty Heinz-Glas có khoảng 1.500 nhân viên ở Đức, và phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga từ lâu, vì sản xuất thủy tinh đòi hỏi nhiệt độ cao khoảng 3.000°F (1.648,8°C). Nếu không có nguồn cung cấp khí đốt ổn định, mỗi lò đốt trị giá hơn 10 triệu euro của công ty này sẽ nguội lạnh và bị hư hại nghiêm trọng.

Ông Frank Martin, Giám đốc tài chính của công ty, cho biết hiện Heinz-Glas đang phải trả mức giá cao gấp 10 lần giá năng lượng mà họ phải trả trước chiến tranh Nga-Ukraine. “Các đối thủ của chúng tôi ở Pháp và Nam Mỹ. Họ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng này như chúng tôi.”

Cuối tháng Bảy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Đức từ 2,9% năm 2021 xuống còn 1,2% trong năm nay và 0,8% trong năm tới.

Sự phụ thuộc lâu dài của Đức vào Trung Quốc đã đạt đến mức cực hạn

Bài viết chỉ ra rằng nền kinh tế Đức tăng trưởng nhanh chóng chủ yếu dựa vào nhu cầu khổng lồ của đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Ngày nay, lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi, nền kinh tế đang thu hẹp và tăng trưởng kinh tế chậm lại với biên độ mạnh, đã đạt đến cực hạn của giai đoạn định hướng đầu tư.

Xã hội Đức cũng đang già đi, lực lượng lao động dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 5 triệu người trong thập kỷ tới. Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà chức trách kinh tế và doanh nghiệp Đức vẫn luôn tập trung vào việc giảm nợ, điều này cũng cản trở đầu tư và việc tăng năng suất.

Tính đến năm 2019, theo tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel, trong vòng 20 năm, vốn chủ sở hữu ròng của Đức tăng 21%, trong khi Pháp tăng 41% và Mỹ là 54%. Số liệu này cho thấy, ngay cả trong các lĩnh vực sản xuất chủ chốt, đầu tư vào Đức cũng thấp hơn so với Ý và Pháp.

Tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế xuất hiện

Phép màu kinh tế của Đức bắt nguồn từ sự trỗi dậy của nước này sau Thế chiến thứ II. Kể từ đó Đức đã trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Đức chủ yếu phụ thuộc vào thương mại xuất khẩu, môi trường thương mại toàn cầu tự do, cởi mở càng quan trọng hơn đối với Đức. Nước này đã tạo ra 25% việc làm dựa vào xuất khẩu, so với khoảng 6% ở Hoa Kỳ.

Nhưng xuất khẩu của Đức đã đình trệ kể từ cuối năm 2017, sản lượng công nghiệp giảm khoảng 15%. Điều này cũng phần nào phản ánh sự mất khả năng cạnh tranh của nước này.

Đồng thời, các rào cản thương mại quốc tế mới đã xuất hiện, như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề thuế quan, cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Nhiều điều quan ngại đã bắt đầu xuất hiện, như hội nhập kinh tế thế giới không hoàn toàn chỉ mang đến lợi ích.

Ông Thomas Nürnberger, Giám đốc điều hành bán hàng và tiếp thị tại Ebm-papst Group, một nhà sản xuất động cơ điện và quạt của Đức, cho biết: “Bài học từ cuộc khủng hoảng trong 2,5 năm qua là trong trường hợp (nguồn cung) gián đoạn, những mô hình hiệu quả cao mà chúng tôi đã có trong quá khứ có thể trở nên rất kém hiệu quả.”

Ông Nürnberger cho biết, sau khi chuỗi cung ứng nhập khẩu nguyên liệu trở nên mỏng manh và không đáng tin cậy, các công ty này đã chuyển sang châu Á, châu Mỹ và châu Âu, nhằm thiết lập 3 chuỗi cung ứng riêng biệt, và sẽ được quốc tế hóa. Nhưng hầu hết nguyên liệu sẽ có nguồn gốc từ các khu vực lân cận.

Ngoài khủng hoảng năng lượng, những thay đổi mang tính cơ cấu cũng khiến tăng trưởng của Đức yếu hơn. Ngành sản xuất ô tô – viên ngọc quý trong nhiều thập kỷ của Đức, đang giảm quy mô đáng kể khi chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện. Các công ty sản xuất của Trung Quốc cũng đang trở thành đối thủ đáng gờm với Đức trên thị trường quốc tế.

Hệ quả là nhiều công ty chuyển hướng sản xuất ra ngước ngoài, cũng giống như những nền kinh tế phát triển khác. Vào tháng Sáu, Kostal Automobil Elektrik – nhà cung cấp ô tô lâu đời có trụ sở tại miền Tây nước Đức, cho biết họ sẽ ngừng sản xuất ở Đức vào cuối năm 2024.

Bình Minh (t/h)