Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua đã dùng rất nhiều tiền trả nợ cho ngành giao thông, nhưng vẫn còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng. “Còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết của ngành giao thông” – Bộ trưởng Dũng cho hay.

duong sat tren cao
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội vay ODA, sau 13 năm đầu tư vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: Shutterstock)

“Chỉ thu xếp được 217.000 tỷ mà cam kết chi đến 372.000 tỷ”

Cuối phiên họp sáng ngày 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi về số tiền 372.000 tỷ đồng vốn trung hạn Chính phủ đề xuất giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020.

Ông Hàm cho hay: “Từ kỳ họp trước cách đây 6 tháng, Quốc hội đã họp và khẳng định Chính phủ không thuyết minh được nguồn để sử dụng dự phòng, nếu đồng ý cho Chính phủ chia dự phòng sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng, trái với quy định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền, lại càng thiếu tiền thêm, các dự án mới không có tiền để thực hiện…”

Do đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 71 và đề ra nguyên tắc “sử dụng dự phòng chung trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hàng năm” và “các dự án được bố trí vốn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương phải đảm bảo nguyên tắc cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”.

Tuy nhiên, ông Hàm cho biết báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – ngân sách và các tờ trình của Chính phủ đều ghi nhận mức vốn trung hạn giao cho các bộ ngành địa phương đã cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được và nếu sử dụng dự phòng chung sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngân sách 4 năm (2016 – 2019) đã chia xong, chỉ còn lại tiền của năm 2020 dự kiến trên nền phấn đấu cao cũng chỉ được 217.000 tỷ. Bây giờ phân bổ dự phòng, để chia hết mức vốn kế hoạch trung hạn dự kiến từ 2016, thì mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 sẽ là 372.000 tỷ.

“Chỉ có thể thu xếp được 217.000 tỷ mà cam kết chi đến 372.000 tỷ là điều không thể. Quyết tâm thực hiện thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin-cho. Xin-cho là chắc chắn khi cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền”, ông Hàm chỉ ra.

Ông Hàm cho hay Uỷ ban Thường vụ đã 2 lần yêu cầu Chính phủ làm rõ khả năng cân đối nguồn để bố trí cho các dự án theo thứ tự ưu tiên của nghị quyết 71, nhưng Chính phủ vẫn chưa thực hiện. Đến lần thứ ba, tờ trình Quốc hội tại kỳ họp này, nội dung về dự phòng chung hầu như không thay đổi so với lần trình đầu tiên.

“Để công khai, minh bạch, đề nghị Chính phủ công khai phương án phân bổ, công khai cho các bộ, ngành, địa phương biết trước khi làm dự toán 2020 là từng dự án của mỗi bộ, ngành, địa phương dự kiến được bao nhiêu tiền thật, thiếu bao nhiêu tiền thật so với cam kết trung hạn cả dự án đang triển khai và dự án bổ sung mới”, đại biểu Hàm nêu ý kiến.

Cần vài nhiệm kỳ để trả nợ cho ngành giao thông?

Giải trình về vấn đề đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng xác nhận đang thiếu 155.000 tỷ đồng theo kế hoạch phân bổ.

Ông Dũng cũng cho hay cách thức làm là xác định đầu tư của cả 5 năm và làm rõ tất cả các mục tiêu và danh mục dự án của cả 5 năm, theo đó, cũng đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm. Theo người đứng đầu Bộ KHĐT, bây giờ chỉ còn đúng nguồn dự phòng.

Trong khi đó, các địa phương, các bộ, ngành hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, kể cả từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến các cơ sở tư pháp, các thanh toán nợ đọng xây dựng rồi cho đến cả vấn đề ô nhiễm môi trường v.v…

Ngoài ra, theo ông Dũng, nhiều vấn đề về kế hoạch đầu tư công trung hạn chủ yếu là giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước. Trong hơn 9.600 dự án thực hiện của giai đoạn này, thì có đến hơn 8.000 dự án là chuyển tiếp, chỉ khởi công mới hơn 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.

Nhắc riêng về ngành giao thông, ông Dũng cho hay: “Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng hiện nay vẫn đang còn tồn nợ của ngành giao thông vận tải trên 20.000 tỷ. Nếu như vậy còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết…”

“Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản thì hiện nay đang còn rất lớn, mặc dù chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng, tập trung vào trả nợ, tập trung vào cho các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới”, ông Dũng nói thêm.

Theo ông Dũng, khi Luật Đầu tư công thông qua đã yêu cầu xác định được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định được chủ trương đầu tư. Hiện đã làm rõ là phải xác định có nguồn vốn trước, phải chỉ ra được nguồn vốn đó ở đâu? Khả năng là bao nhiêu? Rồi phân giao lại cho các địa phương của ngành theo các mục tiêu Quốc hội cho phép, sau đó chuẩn bị dự án. Chuẩn bị dự án xong thì tùy ngân sách thực tế hàng năm cho đầu tư phát triển, dựa trên các dự án đã đủ thủ tục mới giao ngay tiền thực tế hàng năm.

Tuy nhiên, ông Dũng cho hay hiện nay rất nhiều dự án không triển khai được. Tốc độ giải ngân đầu tư công hàng năm chỉ đạt mức 80%, còn 20% không giải ngân hết… “Công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia như Long Thành, cao tốc Bắc – Nam cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa, nhưng đang để ở đó gần 80.000 tỷ không giải ngân hết”, Bộ trưởng Bộ KHĐT dẫn ví dụ.

Theo ông Dũng, có thể chỉ ra được nguồn để có thể thực hiện cho việc phân bổ, nhưng để rà soát, chỉ ra được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay thì Bộ KHĐT không làm được.

“Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó, vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được”, Bộ trưởng Bộ KHĐT nói.

Ông Dũng cho hay thời điểm phù hợp nhất để có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu sau đó sẽ phân bổ là cuối năm nay.

Liên quan đến việc trả nợ cho ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết vừa qua Chính phủ trình Quốc hội xem xét trả nợ hơn 4.000 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Ông Dũng cho biết đây là khoản cam kết của Chính phủ đã xác định là nợ của Trung ương thuộc ngân sách phải trả.

“Chúng ta chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. Nếu Quốc hội thấy tỷ lệ để trả nợ cao quá thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỷ trọng đó, dành ưu tiên cho một số công trình cấp bách”, Bộ trưởng Dũng nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết ngày 6/6, Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu về việc trích 4.069 tỷ đồng để trả nợ tiền giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: