Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay đang tổng hợp ý kiến từ các bên liên quan về đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm, đồng thời thông báo từ ngày 1/10 tới, sẽ bắt đầu chi hỗ trợ cho khoảng 12,8 triệu lao động từ 30.000 tỷ đồng kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cùng 8.000 tỷ miễn đóng BHTN cho doanh nghiệp.

cong nhan ba ria vung tau
Một công nhân đang kéo xe nâng tay để di chuyển các hộp nhựa chất đầy hàng hóa, tại một nhà máy tại Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 20/5/2021. (Ảnh minh họa: Vietanh85/Shutterstock)

Cổng thông tin Bộ LĐ-TB&XH đưa tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, sáng 26/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra hai thông tin đáng chú ý liên quan tới doanh nghiệp và người lao động.

Thứ nhất, hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư quỹ BHTN, bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Ông Dung cho biết tổng kinh phí hỗ trợ từ chính sách này là 38.000 tỷ đồng. Trong đó, chi khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho  khoảng hơn 12,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng.

Mức hỗ trợ tiền mặt được chia thành 6 nhóm, dựa theo thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động:

  • Thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.
  • Từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng (tức từ 1 đến dưới 5 năm): 2,1 triệu đồng/người.
  • Từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng (từ 5 đến dưới 7 năm): 2,4 triệu đồng/người.
  • Từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng (từ 7 đến dưới 9 năm): 2,65 triệu đồng/người.
  • Từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng (từ 9 đến dưới 11 năm): 2,9 triệu đồng/người.
  • Từ đủ 132 tháng (11 năm) trở lên: 3,3 triệu đồng/người.

Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/10, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021 – theo tin từ báo Thanh Niên.

Giảm mức đóng BHTN cho doanh nghiệp đang tham gia BHTN trước ngày 1/10/2021, giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện là 12 tháng, kể từ 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Ông Dung cho biết 386.000 doanh nghiệp sẽ được giảm đóng với số tiền là trên 8.000 tỷ đồng.

Thứ hai, ông Dung cho biết Bộ LĐ-TB&XH đang tổng hợp ý kiến về đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực, tối đa 300 giờ/năm để “ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Ông Dung cho hay ý kiến được lấy từ những đối tượng chịu tác động, nhất là hiệp hội và doanh nghiệp, từ đó, Bộ này sẽ đề xuất hướng xử lý cá biệt, dự kiến chỉ áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.

Theo ông Dung, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng không vượt quá 300 giờ/năm.

Ngoài ra, đáng lưu ý, về việc Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn Bảo hiểm xã hội đề xuất vấn đề không phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội, ông Dung nhận định số tiền dự kiến miễn tiền phạt chậm nộp khoảng 564 tỷ đồng, con số khá thấp, phạm vi tác động chưa thực sự sâu rộng để có thể nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi chính sách.

Về đề xuất của một số Hiệp hội, doanh nghiệp xin tiếp tục cho giảm đóng bảo hiểm xã hội hưu trí, tử tuất, ông Dung nói rằng đây là Quỹ tài chính lớn thứ 2 của cả nước, là quỹ dài hạn liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội, liên quan đến đời sống, lương hưu của hàng chục triệu người đang hưởng và tương lai khi về nghỉ hưu nên “nhất thiết sẽ nói không với đề xuất này”.

Điều 106 Bộ luật Lao Động năm 2012 quy định về làm thêm giờ như sau:

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

Minh Sơn

Xem thêm:

Hai quỹ bảo hiểm kết dư hơn 935.100 tỷ đồng: ‘Không được sử dụng như ngân sách để hỗ trợ’