Các nguồn tin cho biết hôm Chủ nhật (1/5), EU sẽ đề xuất lệnh cấm dần dần đối với dầu nhập khẩu của Nga như một phần của vòng trừng phạt mới đối với Nga vì hành vi xâm lược Ukraine.

Các nhà ngoại giao cho biết Ủy ban châu Âu, cơ quan đưa ra các biện pháp trừng phạt của khối, hiện đang chuẩn bị một văn bản có thể được gửi tới 27 quốc gia thành viên sớm nhất là vào thứ Tư.

Một số nhà ngoại giao cho biết lệnh cấm đối với dầu có thể được thực hiện sau khi Đức đã thay đổi quan điểm bấy lâu nay vốn cho rằng biện pháp này sẽ gây hại quá nhiều cho nền kinh tế của nước này.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Nga đang tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine, khiến các biện pháp trừng phạt mới là “hoàn toàn cần thiết”.

Ông nói: “Chúng ta phải sử dụng các biện pháp kinh tế và tài chính để khiến Nga phải trả giá cho những gì họ đang làm.”

Các nguồn tin cho biết, ủy ban sẽ đề xuất áp dụng lệnh cấm kéo dài từ sáu đến tám tháng để các quốc gia có thời gian đa dạng hóa nguồn cung của họ.

Tuy vậy, lệnh cấm này đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí và có thể sẽ gặp cản trở khi Hungary dự kiến ​​sẽ phản đối vì nước này phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin.

Các quốc gia khác cũng lo ngại rằng lệnh cấm đối với dầu sẽ làm tăng thêm giá dầu trong bối cảnh giá tiêu dùng đang tăng mạnh do chiến tranh.

“Chúng tôi phải rất chú ý đến phản ứng của thị trường”, một quan chức nói với AFP với điều kiện giấu tên. “Chúng ta phải hành động hết sức thận trọng.”

Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ thảo luận về lệnh cấm tại các cuộc đàm phán vào thứ Hai ở Brussels.

EU đã cấm nhập khẩu than của Nga, nhưng Ba Lan và các nước Baltic cũng kêu gọi cấm vận dầu mỏ.

Nhập khẩu khí đốt từ Nga hiện vẫn sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng Đức – nước phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga – đã hứa hẹn sẽ loại bỏ mặt hàng này vào giữa năm 2024.

Sự phụ thuộc của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào năng lượng Nga đã bị coi là “gót chân Achilles” khi các đồng minh phương Tây tăng cường trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc tấn công vào Ukraine.

Lê Vy (theo AFP)