Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định trừng phạt Nga bằng cách đóng băng tài sản của Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov ở châu Âu để phản đối hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.

shutterstock 2081968228
EU đóng băng tài sản của TT Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov ở châu Âu và cân nhắc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. (Ảnh minh họa: Tomasz Makowski/Shutterstock)

Một quan chức hàng đầu của châu Âu cho biết EU đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì xâm lược Ukraine, bao gồm việc đóng băng tài sản nước ngoài của TT Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở châu Âu.

Edgars Rinkevics – Bộ trưởng Ngoại giao Latvia đã xác nhận thông tin trên trong một tuyên bố về Hội đồng Đối ngoại của EU đã thông qua gói trừng phạt thứ hai, trong số đó có việc đóng băng tài sản nhắm vào ông Lavrov và ông Putin.

Việc đưa hai quan chức hàng đầu của Điện Kremlin vào các lệnh trừng phạt đã được Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock xác nhận, theo hãng thông tấn Tass của Nga.

Cả bà Baerbock và ông Rinkevics đều không cung cấp thêm chi tiết về việc đóng băng tài sản của hai nhân vật trên.

Hai quan chức cấp cao khác của EU nói rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào ông Putin và ông Lavrov sẽ không ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bộ đôi này, nhằm giữ cánh cửa ngoại giao vẫn mở, ít nhất là mang tính biểu tượng – Bloomberg đưa tin.

Ngoại trưởng Latvia cho hay các quan chức EU đã sẵn sàng một gói trừng phạt thứ ba chống lại Nga. Lực lượng quân sự của Nga đã tràn qua biên giới Ukraine vào hôm thứ Năm (ngày 24/2), đánh dấu một cuộc tấn công lớn nhất của một quốc gia chống lại một quốc gia khác ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Khi những chiếc xe tăng của Nga tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2, các nhà lãnh đạo EU tại Brussels đã phê duyệt cấp bách các biện pháp trừng phạt. Lãnh đạo chính sách ngoại giao của khối Josep Borrell nói: “Đây là một gói trừng phạt khắc nghiệt nhất mà chúng tôi từng thực hiện”.

Những biện pháp trừng phạt này bao gồm đóng băng tài sản của Nga ở EU, cắt giảm khả năng tiếp cận của các ngân hàng Nga đối với thị trường tài chính châu Âu. Đồng thời kìm hãm thương mại và sản xuất của nước này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Trong một tuyên bố được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU cho biết những vòng trừng phạt mới “sẽ gây ra hậu quả lớn và nghiêm trọng đối với Nga vì hành động xâm lược quân sự vô cớ và phi lý” chống lại Ukraine.

Ngày 25/2, TT Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi châu Âu hành động nhanh chóng và mạnh mẽ trong việc tấn công Moscow bằng các biện pháp trừng phạt.

“Bạn vẫn có thể ngăn chặn sự xâm lược này. Bạn phải hành động nhanh chóng”, ông Zelenskiy nói thêm rằng EU có thể cấm người Nga nhập cảnh vào EU, cấm vận dầu mỏ và đưa Moscow ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT… tất cả các biện pháp trừng phạt nên được đưa ra thảo luận.

Lệnh cấm tham gia hệ thống SWIFT sẽ khiến các công ty Nga khó được thanh toán cho hàng hóa họ xuất khẩu sang các nước khác. Các công ty cũng sẽ thấy khó khăn hơn để đầu tư ra nước ngoài hoặc đi vay từ những người chủ nợ ở nước ngoài.

Nhưng việc loại bỏ Nga ra khỏi hệ thống SWIFT cũng sẽ khiến người mua dầu và khí đốt của Nga khó giải quyết các giao dịch hơn, việc này có khả năng đẩy giá năng lượng cao hơn.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang có ý kiến trái chiều về việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, với Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết hôm thứ Sáu (ngày 25/2) rằng hành động trừng phạt này là có thể, nhưng đó là một “vũ khí hạt nhân tài chính” cuối cùng.

TT Hoa Kỳ Joe Biden cho biết hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ và các đồng minh quốc tế đã quyết định không đẩy Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, ít nhất là cho đến bây giờ, với biện pháp này vẫn là một lựa chọn giống như “vũ khí hạt nhân” trong trường hợp tình hình Ukraine ngày càng leo thang.

Khi được các phóng viên hỏi trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, liệu việc trừng phạt ông Putin có được xem xét hay không, ông Biden đã trả lời có. “Đó không phải là một trò đùa, đề nghị này đang ở trên bàn”, ông Biden nói.

Nhà tài chính và nhà hoạt động Bill Browder, người đã vận động Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky (một biện pháp để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, trong đó có Nga), ông nói với The Independent rằng việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ là “một điều thực sự khiến ông Putin thay đổi tính toán”.

Ngày 25/2, ông Browder đã phản ứng lại với tin tức rằng ông Putin và ông Lavrov đã bị đóng băng tài sản ở EU. Trên Twitter, ông Browder viết: “Tin tức bất ngờ đến từ EU, nhưng nó rất đáng hoan nghênh”.

SWIFT là Hiệp hội Viễn thông liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, được thành lập vào năm 1973, với 239 ngân hàng thành viên của 15 nước. Hiện nay, mạng lưới của SWIFT đã tăng lên đến hơn 11.000 tổ chức tài chính – ngân hàng ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Học viện Tài chính – Ngân hàng, các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng SWIFT do những ưu điểm vượt trội: tính bảo mật cao; tốc độ truyền thông tin nhanh với chi phí thấp (trung bình 0,25 USD/lệnh); tiêu chuẩn SWIFT thống nhất trên toàn thế giới nên giúp các ngân hàng thành viên nhanh hòa nhập vào cộng đồng tài chính – ngân hàng của thế giới.

Quang Minh, theo The Epoch Times