Theo Reuters, trong cuộc họp thường niên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc lần thứ 21, diễn ra ngày 9/4 tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết với EU rằng Bắc Kinh sẽ không còn ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ khi hoạt động tại Trung Quốc và sẵn sàng thảo luận về các quy tắc thương mại toàn cầu mới trong vấn đề trợ cấp công nghiệp.

Embed from Getty Images

“Các công ty châu Âu sẽ được đối xử bình đẳng”, ông Lý Khắc Cường tuyên bố trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba giờ ở Brussels, đồng thời đề nghị thiết lập một cơ chế giải quyết các tranh chấp khiếu nại.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định: “Đó là một bước đột phá. Lần đầu tiên, Trung Quốc đồng ý với châu Âu về ưu tiên quan trọng này trong cải cách của WTO.” Hai bên có thể đi đến thống nhất không coi chuyển giao công nghệ bắt buộc như “cái giá” cho đầu tư.

Đây vốn là vấn đề gây khúc mắc giữa Trung Quốc và EU trong thời gian qua. Chính phủ phương Tây nhiều lần phàn nàn về việc công ty của họ bị ép buộc chuyển giao bí quyết công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tác liên doanh, quan chức hoặc cơ quan quản lý của Trung Quốc như một điều kiện để được phép hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng ra tuyên bố chung về tăng cường hợp tác và tái khẳng định cam kết ủng hộ cơ chế đa phương, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thành Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU- Trung Quốc trong năm 2020. Thỏa thuận này công bố hồi năm 2013 và vòng đàm phán lần thứ 20 đã được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua đã nhấn mạnh việc cải thiện tiếp cận thị trường, đồng thời chấm dứt phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài, tiến tới bình đẳng trong quan hệ đầu tư thương mại.

Theo tuyên bố chung, hai bên thống nhất cơ chế hợp tác về mạng 5G dựa trên Tuyên bố chung 5G, ký kết năm 2015, trong đó có việc hợp tác công nghệ giữa cộng đồng doanh nghiệp.

Về thương mại, EU-Trung Quốc kiên định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, ủng hộ đối với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng như nhất trí củng cố G20, phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, cũng như cam kết thực thi các quy định của WTO. Hai bên còn nhất trí tăng cường thảo luận củng cố các nguyên tắc quốc tế về việc trợ cấp công nghiệp, tiếp tục hợp tác giải quyết xung đột tại Cơ quan phúc thẩm WTO.

Tuy nhiên, EU cũng băn khoăn về việc Trung Quốc chú ý đến các công ty công nghệ châu Âu. EU lo ngại sáng kiến “Made in China 2025” là “bước đệm” để Trung Quốc kiểm soát một số công nghệ quan trọng, bởi đây là một kế hoạch tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc với phương Tây.

Nhìn chung, theo giới quan sát, tuyên bố chung này được xem là một thành công của Liên minh châu Âu khi đạt được một số nhượng bộ quan trọng từ phía Trung Quốc. Hiện EU đang ở trong thế khó vì bị kẹp giữa Trung Quốc và chính phủ Tổng thống Donald Trump với chính sách đơn phương, đặt “nước Mỹ trên hết”. EU buộc phải tái cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi quốc gia này cũng muốn đẩy mạnh đầu tư thương mại tại châu Âu.

Hồi tháng 3 vừa qua, Hội đồng châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có công nghệ liên lạc mới. Kế hoạch này đánh dấu sự chuyển dịch trong lập trường của EU với Trung Quốc.

Ngay sau hội nghị, ông Lý sẽ tới Croatia tham gia một hội nghị 16+1 vào ngày 11 và 12/4, diễn ra giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Âu, trong đó có 11 quốc gia là thành viên của EU.

Hoàng Giang

Xem thêm: