Trước thềm diễn ra sự kiện chia tách kinh tế mang tính địa chấn của Vương quốc Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nhà lập pháp Anh được yêu cầu thông qua một thỏa thuận dài 1.200 trang với khối này để biến nó trở thành luật chỉ trong một ngày vào hôm thứ 4 (30/12).

Embed from Getty Images

Ngay sau khi các quan chức hàng đầu của EU chính thức ký bản thỏa thuận đạt được sau rất nhiều nỗ lực tại Brussels, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc giục các nhà lập pháp tại Hạ viện Anh ủng hộ một thỏa thuận mà ông cho biết báo trước “mối quan hệ mới giữa Anh và EU như những quốc gia có chủ quyền bình đẳng.”

Vương quốc Anh đã rời khỏi EU gần một năm trước, nhưng nền kinh tế của họ vẫn nằm trong nền kinh tế chung của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ kết thúc vào lúc nửa đêm theo giờ Brussels, hay 11 giờ đêm tại Luân Đôn vào hôm thứ 5 (31/12).

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực nếu Quốc hội Anh chấp thuận nó. Nghị viện châu Âu cũng phải chính thức phê chuẩn thỏa thuận, nhưng dự kiến sẽ không thực hiện được việc này trong vài tuần tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ký thỏa thuận này trong một buổi lễ ngắn gọn vào sáng thứ 4 (30/12). Bản thỏa thuận sau đó đã được chuyển bằng máy bay của Không lực Hoàng gia Anh đến Luân Đôn để Thủ tướng Anh Johnson ký.

Ông Michel nói: “Bản thỏa thuận mà chúng tôi đã ký hôm nay là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng, trong đó Liên minh châu Âu đã thể hiện mức độ thống nhất chưa từng có. Đây là một thỏa thuận công bằng và hợp lý, bảo vệ đầy đủ các lợi ích cơ bản của Liên minh châu Âu, đồng thời tạo ra sự ổn định và khả năng dự đoán trước cho các công dân và công ty của EU.”

Đã bốn năm rưỡi kể từ khi nước Anh bỏ phiếu 52% / 48% để đồng ý việc rời khỏi khối này kể từ khi tham gia vào năm 1973. Nhưng hệ quả thực sự của quyết định đó vẫn chưa cảm nhận được bởi mối quan hệ kinh tế của Anh với EU vẫn không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 11 tháng.

Điều đó sẽ thay đổi vào Ngày đầu Năm Mới (1/1/2021). Bản thỏa thuận, được ký kết sau hơn chín tháng đàm phán căng thẳng và đã được niêm phong vào đêm Giáng sinh, sẽ bảo đảm cho Anh và 27 quốc gia EU có thể tiếp tục giao thương hàng hóa mà không có thuế quan và hạn ngạch. Điều đó sẽ giúp bảo vệ việc giao thương hàng năm giữa hai bên với trị giá 660 tỷ bảng Anh (894 tỷ USD) và bảo vệ hàng trăm nghìn việc làm phụ thuộc vào các giao dịch này.

Tuy nhiên, việc chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại thị trường rộng lớn và liên minh hải quan của EU được nhiều bên cho rằng sẽ mang lại những bất tiện và chi phí mới đối với cả cá nhân và doanh nghiệp của Anh, từ việc khách du lịch Anh cần phải có bảo hiểm du lịch cho đến việc các doanh nghiệp Anh phải điền hàng triệu tờ khai hải quan mới.

Tuy vậy, những người ủng hộ Brexit, bao gồm cả Thủ tướng Johnson, cho biết bất kỳ nỗi đau ngắn hạn nào cũng đáng giá. Ông Johnson cho biết thỏa thuận Brexit sẽ biến Anh từ “một thành viên nửa vời, đôi khi còn gây cản trở đối với EU” thành “một láng giềng thân thiện, một người bạn và đồng minh tốt nhất mà EU có thể có.”

Ông cho biết Anh hiện sẽ “giao thương và hợp tác với các quốc gia láng giềng châu Âu của mình dựa trên các điều kiện hữu nghị và thiện chí tốt nhất, trong khi vẫn giữ được chủ quyền kiểm soát đối với luật pháp và vận mệnh quốc gia của mình.”

Một số nhà lập pháp cảm thấy bị o ép về việc chỉ được dành 5 giờ trong Quốc hội để xem xét kỹ lưỡng một thỏa thuận sẽ làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế và xã hội của Anh. Tuy nhiên, có nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ nhận được sự ủng hộ của Hạ viện Anh, nơi Đảng Bảo thủ của ông Johnson chiếm đa số.

Nhóm hoài nghi châu Âu (nhóm phản đối việc hội nhập giữa Anh và EU) với quyền lực mạnh mẽ trong Đảng Bảo thủ, vốn đã đấu tranh trong nhiều năm cho mục tiêu tách Anh ra khỏi EU, đã ủng hộ thỏa thuận này.

Đảng Quốc gia Scotland ủng hộ EU mạnh mẽ và Đảng Dân chủ Tự do dự định bỏ phiếu chống lại dự luật. Tuy nhiên, đảng đối lập chính – Đảng Lao động, vốn tìm cách quan hệ chặt chẽ hơn với EU, cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận bởi vì một thỏa thuận mỏng manh vẫn tốt hơn là một cuộc đổ vỡ hỗn loạn không có thỏa thuận.

Lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer nói: “Chúng ta chỉ còn duy nhất một ngày trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp và đó là bản thỏa thuận duy nhất mà chúng ta đạt được. Thỏa thuận này là nền tảng để dựa vào trong những năm tới.”

Cựu Thủ tướng Anh Theresa May, người đã từ chức vào năm 2019 sau ba năm tranh luận gay gắt về Brexit trong Quốc hội, cho biết bà sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận của ông Johnson. Tuy nhiên, bà cho biết thỏa thuận này còn tệ hơn thỏa thuận mà bà đã đàm phán với EU, vốn đã bị các nhà lập pháp liên tục bác bỏ.

Bà lưu ý rằng thỏa thuận này bảo vệ giao dịch hàng hóa nhưng không bao gồm các dịch vụ, vốn chiếm 80% nền kinh tế của Anh.

Bà May nói: “Chúng ta có một thỏa thuận thương mại, mang lại lợi ích cho EU, nhưng không phải là một thỏa thuận về dịch vụ vốn mang lại lợi ích cho Vương quốc Anh.”

Ngân Hà (theo Taiwan News)

Xem thêm: