Một báo cáo của “Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch” (CREA) chỉ ra, trong vòng 100 ngày kể từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, Nga đã kiếm được 93 tỷ euro từ xuất khẩu năng lượng như dầu mỏ. Theo đó nơi nhập khẩu chủ yếu là các nước Liên minh châu Âu (EU).

shutterstock 21281670861
Hình ảnh minh họa thùng dầu mỏ của Nga. (Đồ họa: Fly Of Swallow Studio/ShutterStock)

Sau khi Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã áp đặt tổng cộng 6 vòng trừng phạt đối với Nga thì điểm tựa nguồn thu xuất khẩu năng lượng của Nga như thế nào? Theo báo cáo của cơ quan độc lập CREA, trong vòng 100 ngày của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, Nga đã kiếm được 93 tỷ euro (khoảng 97,2 tỷ USD) từ xuất khẩu năng lượng như dầu mỏ, theo đó nơi nhập khẩu chủ yếu là các nước EU.

Trong 100 ngày Nga xâm lược Ukraine, EU vẫn chiếm 61% tổng lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga

Ngày 13/6, trang web và Twitter của CREA đã công bố báo cáo điều tra “Nguồn tiền cho cuộc chiến của ông Putin:  Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga trong 2 tháng đầu tiên của cuộc xâm lược” (Financing Putin’s war on Europe: Fossil fuel imports from Russia in the first two months of the invasion), theo đó chỉ ra: “Trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine (24/2 – 3/6) Nga đã nhận được 93 tỷ euro tiền xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, trong số đó thì nhập khẩu của EU chiếm 61% với trị giá khoảng 57 tỷ euro”.

Xét theo quốc gia và khu vực, nước nhập khẩu lớn nhất nhiên liệu hóa thạch của Nga là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu là 12,6 tỷ euro, tiếp theo là Đức (12,1 tỷ euro), Ý (7,8 tỷ euro), Hà Lan (7,8 tỷ euro) , Thổ Nhĩ Kỳ (6,7 tỷ euro), Ba Lan (4,4 tỷ euro), Pháp (4,3 tỷ euro) và Ấn Độ (3,4 tỷ euro).

Giá trị nguồn thu xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của Nga lần lượt là: dầu thô 46 tỷ euro, khí đốt tự nhiên vận chuyển bằng đường ống 24 tỷ euro, sản phẩm dầu mỏ 13 tỷ euro, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) 5,1 tỷ euro, và than đá 4,8 tỷ euro.

Nguồn thu xuất khẩu của Nga kể từ tháng Ba năm nay đến nay đã không ngừng giảm. Tuy các nước trên thế giới dần ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga và so với trước khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine thì trong tháng 5 xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 15%; nhưng giá nhiên liệu hóa thạch toàn cầu không ngừng tăng cao, trung bình giá xuất khẩu của Nga cao hơn 60% so với giá trung bình của năm ngoái.

Tuy nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga phần lớn không thay đổi, nhưng vì Đức giảm thiểu nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga nên Trung Quốc đã vượt Đức trở thành nước đứng đầu. Do giá năng lượng của Nga thấp hơn giá thị trường quốc tế nên các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp và Bỉ đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga.

Ngoài ra, trong bối cảnh EU chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga thì Pháp đã tăng cường nhập khẩu và trở thành nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu khí hóa lỏng của Nga. Trong khi đó Ba Lan và Mỹ đều giảm nhập khẩu năng lượng của Nga, còn Lithuania, Phần Lan và Estonia đã giảm hơn 50% nhập khẩu năng lượng của Nga.

CREA cho biết trong bối cảnh xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là nguồn thu chính trong cuộc chiến quân sự của Nga xâm lược Ukraine, dự án do CREA thúc đẩy để theo dõi hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga nhằm cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này cùng những thay đổi sau cuộc chiến xâm lược Ukraine. Để thực hiện báo cáo, CREA tập trung theo dõi chi tiết các tuyến đường tàu và lượng dòng chảy liên quan đường ống về khí đốt thiên nhiên.

Dự án của CREA nhằm thông báo cho các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, giới truyền thông và các bên liên quan khác về những bên mua nhiên liệu hóa thạch ở Nga cùng xu hướng lưu động của dòng tiền vào Nga, qua đó tăng tính minh bạch để thúc đẩy các bên liên quan sớm ngừng trở thành nguồn cung tài chính cho chiến tranh xâm lược tàn ác của Nga đối với Ukraine.

Báo cáo điều tra độc lập này đánh giá định kỳ về xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, cung cấp thông tin chi tiết về các nước, cảng và công ty nhập khẩu cũng như xu hướng về lượng xuất nhập khẩu.

IEA: Thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng

Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông Đức Der Spiegel, giám đốc điều hành Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, do thị trường dầu mỏ thế giới bị siết chặt nên mùa hè này châu Âu có thể đối mặt tình trạng thiếu nhiên liệu. Ông nói: “Khi kỳ nghỉ lễ chính bắt đầu ở châu Âu và Mỹ là lúc nhu cầu về nhiên liệu sẽ tăng lên. Khi đó chúng ta có thể thấy những sự thiếu hụt như dầu diesel, xăng hoặc dầu hỏa, đặc biệt là (thiếu hụt trầm trọng) ở châu Âu”.

Ông Fatih Birol lưu ý rằng các nước châu Âu sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vấn đề nguồn cung dầu, vì khu vực này không chỉ phụ thuộc vào dầu thô mà còn phải nhập khẩu các sản phẩm thứ sinh từ đó.

Giám đốc IEA này cảnh báo khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay “lớn hơn nhiều” so với khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và sẽ còn kéo dài. Thời điểm khủng hoảng năng lượng toàn cầu những năm 1970 chỉ liên quan đến dầu mỏ, trong khi hiện nay các nước trên thế giới đang đồng thời đối mặt với khủng hoảng dầu mỏ, khí đốt và điện năng.