Doanh thu thuần chỉ tăng xấp xỉ 2,13% nhưng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng tới 49% lên 14.480 tỷ đồng, khi so sánh số liệu tài chính báo cáo năm 2020 với năm 2019. 

EVN loi nhuan
Hai thợ điện trên một cột điện cao thế tại Ninh Thuận, 2017. (Ảnh minh họa: Thelamephotographer/Shutterstock)

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 vừa công bố, EVN ghi nhận doanh thu thuần 403.282 tỷ đồng, tức tăng xấp xỉ 2,13% so với năm 2019 (394.889 tỷ đồng). Mức tăng trưởng doanh thu thuần năm 2019 là 17% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, tập đoàn này ghi nhận tới 14.480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020, tăng tới 49% so với năm 2019 (tăng 4.760 tỷ đồng), dù đây là năm ghi nhận ảnh hưởng lớn toàn diện bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Riêng công ty mẹ – EVN ghi nhận khoản lãi sau thuế 1.598 tỷ đồng năm ngoái. EVN nộp ngân sách 13.177 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ nộp 10.513 tỷ đồng.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 2% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 6,21%; so với năm 2019 tăng lần lượt 0,63% và 1,83%.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của EVN lên tới 729.451 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% sau một năm; vốn chủ sở hữu 240.195 tỷ đồng, tăng 6%.

Nợ phải trả của EVN là 489.256 tỷ đồng (trong đó 386.452 tỷ đồng là nợ vay, chiếm 79% nợ phải trả).

Theo Chuyên trang Đầu tư tài chính Việt Nam – VietnamFinance, có 3 yếu tố chính giúp EVN báo lãi sau thuế tăng gấp rưỡi trong năm 2020, gồm giá vốn tăng chậm hơn doanh thu thuần, doanh thu tài chính tăng mạnh và chi phí thuế giảm mạnh.

Trong đó, giá vốn hàng bán trong năm 2020 chỉ tăng 1,4% nên sau khi cân đối doanh thu – giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại của EVN đạt 54.558 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2019, tương đương tăng 3.520 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng mạnh 31% lên 5.198 tỷ đồng, tương đương tăng 1.225 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng.

Trong khi đó, chi phí tài chính tăng không đáng kể, chỉ 1,9% lên 22.917 tỷ đồng, tương đương tăng 422 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 21%, lên 8.603 tỷ đồng, tương đương tăng 1.469 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 0,3%, xuống mức 13.589 tỷ đồng, tương đương giảm 46 tỷ đồng.

Vẫn theo báo cáo năm 2020, EVN cho biết không có khoản đầu tư tài chính nào và dành nguồn tiền đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện. Tính đến hết năm, EVN công bố đầu tư tại các công ty con tổng 146.241 tỷ đồng, tăng 4.037 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn của công ty mẹ tại 9 công ty TNHH MTV 100% là 135.414 tỷ đồng. Vốn tại các công ty cổ phần EVN giữ trên 50% vốn điều lệ là 10.827 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VietnamFinance đưa ra thông tin trong tổng tài sản của EVN tính đến cuối năm 2020 (729.451 tỷ đồng), lượng tiền và tương đương tiền lên đến 55.236 tỷ đồng và 87.232 tỷ đồng là các khoản đầu tư ngắn hạn đến ngày đáo hạn. Cả hai khoản tài sản này đều được nhận định nhiều khả năng phần lớn là tiền gửi ngân hàng, “cũng nghĩa là EVN có thể có khoảng 140.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm khoảng 19% tổng tài sản”.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống của EVN là 69.300 MW, tăng 14.300 MW so với năm 2019. Theo EVN, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.351 MW (tăng 5.203 MW so với công suất 12.148MW năm 2019), chiếm tỷ trọng 25,3%.

Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so năm 2019.

Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2020 là 238,47 tỷ kWh, tăng 3,33% so với năm 2019. Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 là 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019. Trong đó, điện cung cấp cho công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng gần 53,93%; cung cấp cho tiêu dùng 33,72%; cung cấp cho thương nghiệp và dịch vụ 4,77%; nông, lâm nghiệp 3,4% và thành phần khác 4,17%.

EVN bán điện trực tiếp cho 28,94 triệu khách hàng trong năm 2020, tăng 0,9 triệu đơn vị so với năm 2019. Công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được đẩy mạnh và đạt tỷ lệ 70,3% về số khách hàng và đạt 91,72% trong tổng doanh thu.

Báo cáo cho hay tổng số tiền EVN giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 2 đợt là 12.265 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Các dự án đang được đầu tư xây dựng như dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; thủy điện tích năng Bắc Ái; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; thủy điện Ialy mở rộng; nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhiệt điện Ô Môn IV; đường dây 500kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2; đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa – Chơn Thành…

Nguyễn Minh

Xem thêm:

EVN sắp xây nhà máy nhiệt điện 1,8 tỷ USD trong khi giá than nhập từ Trung Quốc rất cao