Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 1.307 tỷ đồng từ mảng kinh doanh bán điện trong năm 2020, trong bối cảnh người tiêu dùng nhiều lần phản ánh hóa đơn tiền điện tăng “bất thường” gấp 2,3 lần trong các tháng cao điểm hè 2020, hè 2021.

shutterstock 1449759863
Năm 2020, EVN báo lỗ 1.307 tỷ đồng trong khi người tiêu dùng nhiều lần phản ánh tiền điện tăng “bất thường”. (Ảnh minh họa: Xuanhuongho/Shutterstock)

Ngày 25/2, Bộ Công thương Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2020 của EVN.

Năm 2020, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN là gần 396.200 tỷ đồng. Tổng sản lượng điện năng giao nhận là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 216,95 tỷ kWh.

Trong đó, tổng sản lượng điện các nhà máy điện gió, điện mặt trời và sinh khối đạt khoảng 10,7 tỷ kWh trong năm 2020. Tổng chi phí mua điện từ các nhà máy điện này là hơn 22.806 tỷ đồng.

Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo gồm: các nhà máy thủy điện nhỏ và điện mặt trời áp mái, tổng sản lượng điện các nguồn cung ứng điện này năm 2020 là 14,85 tỷ kWh, tổng chi phí mua vào là 20.091 tỷ đồng.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826 đồng/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019.

Cụ thể, về chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh theo điện thương phẩm năm 2020 là:

  • Tổng chi phí khâu phát điện là 310.962 tỷ đồng, tương ứng với giá thành là 1.433,3 đồng/kWh.
  • Tổng chi phí cho khâu truyền tải điện là 16.855 tỷ đồng, tương ứng với giá thành là 77,7 đồng/kWh.
  • Tổng chi phí khâu phân phối – bán lẻ điện là 66.937 tỷ đồng, tương ứng với giá thành là 308,5 đồng/kWh.
  • Tổng chi phí khâu phụ trợ – quản lý ngành là 1.444 tỷ đồng, tương ứng với giá thành là 6,6 đồng/kWh.

Năm 2020, doanh thu bán điện thương phẩm là gần 395.000 tỷ đồng (tăng 1,7% so với năm 2019, đạt 388.355 tỷ đồng), tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,2 đồng/kWh (giảm gần 1,7% so với năm 2019 với giá bán là 1.851,3 đồng/kWh).

Về việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019, Bộ Công thương Việt Nam giải thích do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện. Năm 2020, nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao, tiêu thụ sản lượng điện sụt giảm; các khách hàng thuộc thành phần thương nghiệp – dịch vụ có sản lượng tiêu thụ điện giảm sâu.

Năm 2020, EVN lỗ 1.307 tỷ đồng trong sản xuất kinh doanh điện nhưng thu nhập từ các hoạt động khác gồm: tiền bán công suất phản kháng; hoạt động tài chính; cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn là hơn 6.049 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh trên giúp EVN lãi hơn 4.742 tỷ đồng trong năm 2020.

Cao điểm hè 2020, 2021, người tiêu dùng liên tục phản ánh hóa đơn tiền điện bất thường

Trong mùa hè năm 2020, nhiều người tiêu dùng đã phản ánh liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tăng “bất thường”, thậm chí tăng gấp 2,3 lần so với bình thường.

Theo báo Thanh Niên, anh Nguyễn Công (Huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết anh bất ngờ khi nhận tin nhắn báo hoá đơn tiền điện vào ngày 16/6/2020 từ Điện lực Gia Lâm (Hà Nội). Số kWh nhà anh Công trong các tháng trước đó chỉ hơn 230 kWh nhưng tháng 6/2020 lại đội lên tới 490 kWh (tăng gấp 2 lần so với bình thường, so sánh cùng kỳ năm 2019 tiêu thụ chỉ hơn 250 kWh). Anh Công cho biết hóa đơn tiền điện lên tới 1,22 triệu đồng, được giảm 68.000 đồng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Bùi Tuấn Anh ở phường Tăng Nhơn Phú B (Quận 9, TP.HCM) cho biết chỉ số tiêu thụ điện nhà ông tăng bất thường lên đến 320 kWh chỉ trong 1 tháng. Từ tháng 4/2019 – 3/2020, trung bình mỗi tháng gia đình ông Tuấn Anh tiêu thụ trên dưới 400 KWh điện.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4/2020, mức tiền điện đột ngột tăng bất thường. “Việc tăng tiền điện bất thường xảy ra sau khi Công ty Điện lực Thủ Thiêm thay mới công tơ điện tử cho gia đình tôi từ ngày 11/3. Tôi nhận thấy đây là nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức sử dụng điện bất thường của gia đình”, ông Tuấn Anh phản ánh – báo Người Lao Động dẫn lời.

Trả lời khiếu nại của ông Tuấn Anh, ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc EVN (Chi nhánh TP.HCM) cho biết đã kiểm chứng công tơ điện, kết quả cho thấy công tơ điện mới hoạt động phù hợp với thực tế và đạt chuẩn đo lường – cũng theo báo Người Lao Động đưa tin.

Đến năm 2021, sự việc hóa đơn tiền điện tăng gấp 2,3 lần so với bình thường tiếp tục được báo chí trong nước phản ánh.

Gia đình ông Phong (Quận 7, TP.HCM) cho biết số điện tiêu thụ vào tháng 5/2021 là 749 kWh, tiền điện phải trả gần 2,3 triệu đồng. Trong khi 3 tháng đầu năm 2021 chỉ phải trả khoảng 1 triệu đồng/tháng – theo báo Tuổi Trẻ.

Gia đình chị Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hóa đơn điện tháng 5/2021 số tiền phải trả là 2,3 triệu đồng, trong khi bình thường mỗi tháng nhà chị Hà chỉ trả khoảng 600.000-700.000 đồng – theo báo Tin Tức.

Tập đoàn EVN giải thích việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng, dẫn đến tiền điện tăng.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng là do việc tính giá điện tăng lũy tiến theo sản lượng khiến người tiêu dùng càng dùng nhiều điện sẽ phải trả mức giá cao hơn. Hiện nay mức giá điện sinh hoạt của EVN bao gồm 6 mức:

tiendien
Bảng giá điện sinh hoạt bao gồm 6 mức tăng lũy tiến. Cao nhất lên tới 2.927 đồng/kWh (Ảnh chụp màn hình / Evn.com.vn)

Quang Minh