Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về tình hình đàm phán, ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án nhập khẩu điện từ Lào. Theo đó, gần đây Công ty Điện lực Lào có văn bản thông báo không tiếp tục bán điện cho EVN với lý do không hiệu quả về kinh tế, do vậy EVN chỉ có khả năng nhập 226 MW qua 2 đường dây liên kết nằm trong dự án được phê duyệt.

nha may thuy dien namkong 2 viet nam nhap khau dien tu Lao EVN nhap khau dien tu Lao 1
Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào thông qua hai cụm Nhà máy Thủy điện Nam Kong 1,2,3 và Nam Emoun (Ảnh: Nhà máy Thủy điện Nam Kong 2/hobomaps.com)

Theo đó, đến nay Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào với công suất gần 2.700 MW. Ngoài ra, EVN báo cáo Bộ Công thương để xem xét trình phê duyệt bổ sung với tổng công suất là 705 MW.

Trong số này, theo EVN, gần đây Công ty Điện lực Lào lại có văn bản thông báo không tiếp tục bán điện cho EVN với lý do không hiệu quả về kinh tế. Trong trường hợp Thủ tướng phê duyệt cho các dự án còn lại, EVN chỉ có khả năng nhập 226 MW (khoảng 8% so với chủ trương được phê duyệt) qua 2 đường dây liên kết.

Tuy vậy, đáng chú ý là danh sách các chủ đầu tư điện của Lào muốn bán điện cho Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, có 53 dự án với tổng công suất hơn 7.200 MW được đề xuất bán điện, nhưng phương án đấu nối chưa khả thi, nên EVN chưa đề xuất chủ trương nhập khẩu.

Báo cáo thêm về việc đầu tư các đường dây đấu nối, EVN cho biết đang phối hợp với chủ đầu tư phía Lào triển khai đầu tư 5 đường dây liên kết. Các dự án này đều dự kiến hoàn thành vào năm 2023 hoặc 2024.

Theo đánh giá của EVN, việc nhập khẩu điện từ Lào gặp khó khăn do các dự án đề xuất bán điện đều riêng lẻ, không mang tính quy hoạch tổng thể hệ thống điện của hai quốc gia, dẫn tới khó khăn trong quy hoạch đấu nối, khả năng giải tỏa công suất.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đề xuất phương án đấu nối dự án điện về Việt Nam qua các tuyến đường dây liên kết chưa có trong quy hoạch, hoặc chưa được phê duyệt. Việc triển khai thi công xây dựng năm tuyến đường dây để nhập khẩu điện từ Lào bị kéo dài. Dự án nằm ở khu vực biên giới, diện tích rừng bao phủ lớn, địa hình thi công khó khăn, nên gặp vướng mắc về thủ tục.

Giá điện nhập khẩu từ Lào cao nhất gần 7 cent/kWh, phải bao tiêu sản lượng

Bên cạnh đó, khung giá nhập khẩu điện từ Lào đối với các loại hình nhiệt điện than, thủy điện và điện gió đều hết hạn vào ngày 31/12/2025. Các dự án đề xuất phương án đấu nối về Việt Nam trước ngày 31/12/2025 nằm ngoài năm liên kết trên là không khả thi.

Còn với những dự án đề xuất đấu nối sau ngày 31/12/2025 lại chưa có cơ sở chấp thuận do quy định đã hết hiệu lực. Hiện cũng chưa có khung giá cho sau năm 2025 để làm cơ sở thực hiện.

Hiện nay, việc nhập khẩu điện từ Lào được áp dụng theo quy định về giá trần (giá tối đa), dẫn tới vướng mắc. Đơn cử như yêu cầu về tính toán giá điện từ chi phí vẫn chưa được chủ đầu tư chấp thuận và thường đề nghị giá điện ở mức 6,95 cent/kWh (hơn 1.611 đồng/kWh); các chủ đầu tư đề nghị phải bao tiêu sản lượng; chưa có hợp đồng mẫu về mua bán điện nhập khẩu.

Trên cơ sở đó, EVN kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục đàm phán hợp đồng mua bán điện từ các nhà máy có khả năng vận hành trước 31/12/2025 với các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu.

Với các dự án đã báo cáo về chủ trương nhập khẩu điện, EVN kiến nghị Bộ Công thương xem xét trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu, đấu nối vào các đường dây liên kết mà EVN đang xây dựng. Đồng thời xem xét nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào sau năm 2025 để cập nhật vào quy hoạch điện.

EVN cho biết để phục vụ nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện 2 (thuộc EVN) đã tổ chức ký các hợp đồng hôm 31/3/2023. Cụ thể:

Dự án Trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm nhà máy thủy điện Nam Kong 1,2,3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý 4/2022. Trong đó, Trạm cắt 220kV Bờ Y gồm 10 ngăn 220kV, trong giai đoạn này lắp đặt 5 ngăn xuất tuyến và 1 ngăn máy cắt liên lạc.

Dự án Trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý 1/2023.

Cả hai dự án trên đều do EVN làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Điện 2 được EVN giao thay mặt chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý dự án.