Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết lượng điện tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống trong ngày 17/5 ở mức 755 triệu kWh, đã vượt qua mức đỉnh của năm 2018 (725 triệu kWh).

EVN
Dự kiến trong tháng 5, 6, công suất cực đại sẽ tăng lên mức 37.000-39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kỳ 2018. (Ảnh: evn.com.vn)

Ngày 17/5, EVN có buổi cung cấp thông tin báo chí về tình hình cung ứng điện mùa khô và chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời.

Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết 5 tháng đầu năm chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống điện đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy.

Theo đại diện của EVN, ngày 24/4 là ngày nóng nhất tháng 4, công suất đầu nguồn cực đại (Pmax) toàn hệ thống là 35.703 MW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua Pmax trong đợt nắng nóng cực đoan nhất trong năm 2018 (35.118 MW – ngày 3/7/2018).

Tính đến ngày 17/5, mức tiêu thụ điện toàn hệ thống đạt đỉnh mới cao hơn, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35.912 MW.

Bên cạnh số liệu về công suất, lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày 17/5 lên đến 755 triệu kWh. Con số vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018.

Sản lượng tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm đã đạt 74,35 tỷ kWh, cao hơn 628 triệu kWh so với kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo EVN, qua theo dõi thực tế nhiều năm, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền nhiệt độ. Nếu bước vào cao điểm nắng nóng trong các tháng 5, 6, dự kiến phụ tải còn tiếp tục tăng trưởng cao. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000-39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kỳ 2018.

Nguồn điện nào cũng gặp khó

Theo EVN, công tác vận hành nguồn điện hiện vẫn rất căng thẳng. Đối với thủy điện, chỉ có các hồ tại khu vực miền Bắc có lượng nước về tương đối khá, tương đương trung bình nhiều năm. Tại phần lớn các hồ ở miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về thấp.

Ước tính sản lượng thủy điện tích trong các hồ miền Trung, Nam chỉ khoảng 2 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 3 ngày làm việc. Nếu tính riêng các hồ miền Nam, chỉ còn 0,38 tỷ kWh, tương đương lượng điện tiêu thụ tại khu vực này trong 1 ngày.

Lãnh đạo A0 cho biết đã huy động các nguồn nhiệt điện dầu từ tháng 4/2019 để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu huy động đến thời điểm hiện tại là 160 triệu kWh, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục phải huy động nguồn điện giá cao này.

Trước nhu cầu điện trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, EVN cho biết sẽ huy động linh hoạt thuỷ điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô. Huy động tối đa công suất của các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam, giám sát đường dây truyền tải siêu cao áp để tăng cường truyền tải điện từ Bắc vào Nam…

Lãnh đạo EVN khẳng định năm 2019 vẫn sẽ đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay mỗi năm cần thêm khoảng từ 3.500-4.000 MW đưa vào hệ thống. Giai đoạn 2019-2020 cần khoảng 10.000 MW công suất điện đưa vào hệ thống nhưng 2 năm tới, chỉ dự kiến đưa vào từ 2.000-2.500 MW và thêm được 4.000 MW từ năng lượng tái tạo. Theo ông Hải, điều này gây khó cho việc bảo đảm nguồn cung cấp điện của EVN.

Nhận định nhiều nhà máy điện theo sơ đồ VII điều chỉnh vào chậm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết tập đoàn sẽ có kiến nghị với Bộ Công thương và Chính phủ về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc A0, đến ngày 17/5, 27 nhà máy điện mặt trời đã hòa vào lưới. Từ nay đến cuối tháng 6, sẽ hòa vào lưới thêm khoảng 50 nhà máy. Dự kiến tổng công suất tăng thêm khoảng 1.300 – 1.400 MW.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện gió cũng chuẩn bị nối lưới làm tăng thêm khoảng 500 – 1.000 MW.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra trong vận hành nhà máy điện mặt trời là hệ thống lưới điện truyền tải không đáp ứng đủ nhu cầu công suất lắp đặt, nên khả năng giải tỏa công suất ở mức thấp, chỉ được khoảng 50%.

Nguyễn Quân

Xem thêm: