Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 2000 vào ngày 4/5. Đây được xem là biện pháp mà FED sử dụng để đối phó với tình trạng lạm phát đạt mức cao kỷ lục ở Mỹ trong vòng 40 năm.

FED nang lai suat cao nhat trong 20 nam My nang lai suat FED tang lai suat de ngan lam phat 1536974354
Trong bối cảnh GDP quý 1 tăng trưởng âm 1,4%, FED nâng lãi suất nhiều nhất từ năm 2000 để kiềm chế lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong 40 năm. (Ảnh minh họa: Monster Ztudio/Shutterstock)

Ngày 4/5, FED công bố đợt tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 2000 với mức tăng nửa điểm phần trăm, lên mức mục tiêu từ 0,75-1%. Quyết định này được FED lý giải là để kiềm chế tình trạng lạm phát đang lan rộng ở Mỹ, vốn đã đạt kỷ lục trong 40 năm.

Chủ tịch FED – Jerome Powell nói tại buổi họp báo với truyền thông: “Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà nó đang gây ra. Chúng tôi nhanh chóng sẽ đưa lạm phát quay trở lại”.

Các quyết định của FED ảnh hưởng đến chi phí vay, đó là lý do tại sao lãi suất rất quan trọng. Khi lãi suất cao hơn, nó có thể ngăn cản nhiều người tiêu dùng vay thế chấp hoặc nộp đơn xin vay mua ôtô.

Greg McBride, CFA – nhà phân tích tài chính của Công ty dịch vụ tài chính Bankrate cho biết: “Khi FED tăng hoặc giảm chi phí tiền tệ, nó ảnh hưởng đến lãi suất trên toàn hệ thống ngân hàng. Bằng cách này hay cách khác, việc tăng lãi suất này sẽ ảnh hưởng đến người đi vay”.

Ông Powell bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát của FED mà không gây ra tình trạng suy thoái kinh tế. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để có một cuộc hạ cánh mềm”, ông Powell nói.

Nhà kinh tế trưởng của Morning Consult – John Leer nhận định việc GDP của Mỹ suy giảm trong quý đầu tiên năm 2022 sẽ khiến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong những tháng tới. Việc ông Powell tuyên bố rằng mục tiêu của ông là hoàn thành một cuộc hạ cánh mềm gồm: giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì thị trường lao động mạnh mẽ, đây là điều vẫn còn chưa được kiểm chứng.

“FED đang ở trong một tình huống khó khăn ngay bây giờ khi nó điều hướng rủi ro cao của một cuộc suy thoái. Họ muốn tăng lãi suất đủ cao và đủ nhanh để kiềm chế lạm phát nhưng họ không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Đây là một bài kiểm tra dành cho chính sách này”, John Leer lưu ý.

Ken Mahoney, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Công ty Mahoney Asset Management, nhận xét rằng FED nói chung “đã mất uy tín”. Nhiều chuyên gia, bao gồm Mahoney, đã chỉ ra sự cố chấp năm ngoái của FED khi luôn cho rằng lạm phát xảy ra là “tạm thời”.

Theo Mahoney, cơ hội tốt nhất để tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản là năm ngoái, khi GDP tăng hơn 5%.

“Thay vào đó, chúng tôi đang ở đây để tăng lãi suất khi GDP quý đầu tiên là âm và lạm phát rõ ràng vẫn tồn tại tới hiện nay”, Mahoney nói với The Epoch Times.

Robert R. Johnson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Economic Index Associates nói: “Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, các chuyên gia đã bày tỏ kém tin tưởng về việc FED sẽ có thể kiểm soát lạm phát và tổ chức một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế”.

Phát biểu tại một hội nghị của Hội đồng CEO Wall Street Journal vào ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tái khẳng định niềm tin của bà vào nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), nhưng thừa nhận rằng lạm phát vẫn là một vấn đề.