Do các vấn đề về nợ và chuỗi cung ứng, vào thứ Tư (15/6) ‘gã khổng lồ’ mỹ phẩm Revlon của Mỹ đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Tòa án Phá sản Liên bang New York.

15558491204 a458f2eeec b
(Nguồn: Mike Mozart/Flickr)

Hãng sản xuất mỹ phẩm có lịch sử 90 năm này cho biết lý do xin bảo hộ phá sản vì các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và nợ tăng cao, động thái sẽ cho phép họ “tái cấu trúc chiến lược” tài chính.  

Revlon xác nhận trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và cho biết công ty dự kiến ​​sẽ nhận được khoản tài trợ nợ (DIP) trị giá 575 triệu USD để hỗ trợ hoạt động hàng ngày.

Theo hồ sơ tại tòa án phá sản liên bang Mỹ ở Quận phía Nam của New York được Bloomberg trích dẫn, công ty này do MacAndrews & Forbes của tỷ phú Ron Perelman sở hữu, tổng tài sản của công ty này tính cho đến cuối tháng 4/2022 là 2,3 tỷ USD.

Theo hồ sơ của tòa án, tổng số nợ của công ty được liệt kê là 3,7 tỷ USD, bao gồm 6,25% nợ cấp cao (senior debt) đến hạn vào năm 2024.

Ngoài ra, công ty có 10 khoản vay còn nợ với tổng trị giá khoảng 2,6 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong 3 năm tới.

Việc nộp đơn theo Chương 11 “Luật Phá sản Liên bang Mỹ” cho phép một công ty tiếp tục hoạt động theo kế hoạch tổ chức lại vì lợi ích tốt nhất của bên chủ nợ.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Revlon là bà Debra Perelman nói: “Việc nộp đơn (phá sản) này sẽ cho phép Revlon tiếp tục cung cấp các sản phẩm mang tính biểu tượng của mình cho người tiêu dùng, đồng thời giúp con đường phát triển trong tương lai của chúng tôi được sáng rõ hơn”.

“Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của chúng tôi vẫn mạnh mẽ – mọi người yêu thích thương hiệu của chúng tôi và chúng tôi tiếp tục có một vị thế thị trường vững mạnh”. Bà nói thêm, “nhưng cấu trúc vốn đầy thách thức của chúng tôi hạn chế khả năng điều hướng các vấn đề kinh tế vĩ mô của chúng tôi”.

CEO của Revlon này cho biết: “Bằng cách giải quyết những ràng buộc nợ phức tạp còn tồn đọng này, chúng tôi kỳ vọng có thể đơn giản hóa cấu trúc vốn và giảm đáng kể nợ, cho phép chúng tôi khai thác toàn bộ tiềm năng của thương hiệu được công nhận trên toàn cầu”.

Revlon cũng đồng thời cảm ơn các bên liên quan chính, nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp đã hỗ trợ họ.

Sơ lược về công ty Revlon

Công ty Revlon được thành lập vào năm 1932 bởi anh em Charles và Joseph Revson và Charles Lachman. Năm 1940, họ hoàn thiện dây chuyền về làm đẹp móng tay, sau đó bổ sung son môi và trở thành nhà sản xuất mỹ phẩm lớn thứ hai ở Mỹ; công ty chủ yếu kinh doanh mỹ phẩm màu, sản phẩm chăm sóc da, dụng cụ làm đẹp, sản phẩm tóc, nước hoa… Vào năm 1985 công ty được bán cho MacAndrews & Forbes và lên sàn chứng khoán vào năm 1996.

Vào năm 2016, ‘gã khổng lồ’ mỹ phẩm này đã mua lại công ty mỹ phẩm Elizabeth Arden trong một thỏa thuận trị giá 870 triệu USD để củng cố hoạt động kinh doanh chăm sóc da và nước hoa cũng như mở rộng sự hiện diện ở châu Á, từ giữa năm 2018 công ty này luôn do con gái của bà Debra Perelman là Debra Perelman phụ trách.

Doanh số bán hàng của Revlon đã liên tục sụt giảm trong những năm gần đây, phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty khởi nghiệp do những người nổi tiếng khác hậu thuẫn, ví dụ như Kylie Cosmetics của Kylie Jenner hay Fenty Beauty của Rihanna.

Doanh thu năm 2020 của Revlon là khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2019. Cho dù vào năm 2021 doanh số của họ đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19.

Công ty Revlon vốn đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về nguồn cung cấp, và đại dịch COVID-19 ngày càng khiến tình hình của họ trở nên tồi tệ hơn.

Revlon cho biết trong hồ sơ phá sản rằng gần 1/3 nhu cầu khách hàng của họ không thể đáp ứng đúng hạn do vấn đề nguồn cung nguyên liệu thô. Ngoài ra, cộng thêm vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là một yếu tố chính khác dẫn đến sự phá sản của Revlon. Có phân tích cho rằng những vấn đề này của Revlon khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn.