Tính đến ngày 26/8, gần 1,2 triệu người lao động tự do trên cả nước đã nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam công bố. Tuy nhiên, tính đến hết quý 2, số người thất nghiệp đã gần 1,2 triệu, chưa kể khoảng 1,1 triệu người thiếu việc làm, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

lao dong tu phat ve que
Khoảng 1.000 xe máy với hơn 1.800 người (quê các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa…) được CA tỉnh Quảng Trị dẫn đến chốt Hạ Cờ (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bàn giao và tiếp tế cơm nước, xăng. Cảnh ăn uống vội vàng của những lao động thất nghiệp phải về quê, trưa 31/7/2021. (Ảnh: Dương Phong/Facebook)

Cập nhật về tiến độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, chiều 26/8, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tính đến ngày 26/8, cả nước có trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ.

Gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng từ gói an sinh lần 2 (theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng). Ngoài ra, gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.

Riêng TP.HCM, tới nay ngân sách đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, trong đó hỗ trợ trên 500.000 lao động tự do, theo Bộ LĐ-TB&XH.

Tổng số lao động thất nghiệp và lao động thiếu việc làm trên cả nước không được bộ này công bố.

Tuy nhiên, tính đến hết quý 2, số người thất nghiệp đã gần 1,2 triệu, chưa kể khoảng 1,1 triệu người thiếu việc làm, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tại cuộc họp hôm 6/7, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho hay số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý trước. Trong đó, số người từ 15-24 tuổi thất nghiệp là 389.800 người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp. Số lao động thiếu việc làm được ghi nhận là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với cùng kỳ năm trước.

Thực trạng đời sống của người lao động được phản ánh rõ rệt trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, khi tình hình dịch bùng phát mạnh và các đợt giãn cách liên tiếp với mức độ tăng dần đã gây nên làn sóng tự phát về quê của hàng trăm nghìn người lao động.

Tại Báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021, công bố vào trung tuần tháng 8, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) ước tính khoảng hơn 100.000 lao động đã dịch chuyển tự phát, chủ yếu từ các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung.

Chưa kể, theo thống kê nhanh của các Sở LĐ-TB&XH tại thời điểm trên, còn hơn 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương để trở về.

Cũng tại báo cáo trên, ba kịch bản mức tốt, thường, xấu được Cục Việc làm đưa ra. Trong đó, tại kịch bản tốt, dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 3/2021 là hơn 22 triệu người. Số lao động mất việc ước tính khoảng 500.000 – 600.000 người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người; số lao động có nhu cầu tuyển dự kiến trong quý 3 là trên 500.000 người.

Với kịch bản thường, dự báo số lao động bị tác động tiêu cực là trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành: chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ…

Tại kịch bản xấu, khi việc mua và tiêm vắc-xin không đáp ứng nhu cầu, dịch bệnh khiến nguồn lực bị cạn kiệt, dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát, dự báo số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực lên tới gần 40 triệu người.

Theo Cục Việc làm, lực lượng lao động quý 2/2021 là 51,1 triệu người, trong đó, lao động có việc làm là 49,9 triệu người.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

8 tháng năm 2021: 85,5 nghìn doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường