Về cân đối thu chi, ngân sách nhà nước (NSNN) quý đầu năm ước thặng dư khoảng 66 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cán cân này có thể thay đổi sau khi tiền lương cơ sở điều chỉnh tăng từ tháng 7/2019.

tang luong co so
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa cần hướng đến trọng cung, trong đó phải giảm chi ngân sách chứ không phải tăng thu. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN lũy kế thu quý I/2019 ước đạt 381.000 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thu nội địa cả quý I đạt 381.000 tỷ đồng; trong đó thu về dầu thô đạt 12.280 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I đạt 80.800 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, tổng chi 3 tháng đầu năm 2019 đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Do nhu cầu chi quý đầu năm còn thấp, nên cân đối NSNN về tổng thể có thặng dư lên đến khoảng 66 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây chưa hẳn đã là tín hiệu đáng mừng. Bởi chi đầu tư phát triển chỉ đạt 46,7 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ lãi đạt 30,76 nghìn tỷ đồng, còn chi thường xuyên lên tới 237,2 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 75% tổng chi NSNN.

Trên thực tế, chi thường xuyên trong tổng chi NSNN liên tục giữ ở mức cao, khoảng 70%, kể từ năm 2008 đến nay. Đặc biệt, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.

Hiện tại, tổng chi cho lương trong NSNN Việt Nam cao so với các quốc gia trong khu vực, tương đương với các quốc gia thu nhập trung bình. Theo xu hướng này, tỷ lệ chi lương của Việt Nam đến năm 2020 có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao.

Thêm nữa, chi trả nợ lãi cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi NSNN và đang có xu hướng ngày càng tăng, mà đây mới chỉ là trả lãi, chưa tính nợ gốc. Do đó, ngân sách còn lại để đầu tư chủ yếu dựa vào đi vay. Điều này dẫn tới áp lực ngày càng lớn về tài chính công.

Gánh nặng tài chính công sẽ lớn hơn nữa khi người lao động được tăng lương cơ sở từ 1/7/2019 sắp tới. Mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nêu rõ: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 của các địa phương bao gồm: 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2018 thực hiện so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế nhận định, để đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững mà vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa cần hướng đến trọng cung, trong đó nhấn mạnh phải giảm chi ngân sách chứ không phải tăng thu. Việc tăng lương trong chưa làm tốt phần tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công sẽ chỉ càng tạo áp lực và khó khăn chồng chất hơn nữa cho tài chính công. Tháng 1/2019, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu giảm 5.510 công chức, và khoảng 39.000 viên chức, người làm việc trong đơn vị sự nghiệp trong năm nay. Song quá trình tinh giản biên chế vẫn phụ thuộc quá nhiều vào số người nghỉ hưu, và sự đột phá trong tinh giản biên chế khó xảy ra.

Đáng chú ý là khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Điều này khiến Chính phủ đang không ngừng thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ. Mới đây, để định hướng sự phát triển của thị trường và cơ cấu lại nợ công về kỳ hạn nợ và lãi suất huy động, trong quý I, Bộ Tài chính thực hiện phát hành 69,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ (chưa bao gồm 7 nghìn tỷ đồng phát hành nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo nghị quyết của Quốc hội) với kỳ hạn bình quân là 12,35 năm, lãi suất bình quân là 4,91%/năm.

Nói đến nợ công, hồi tháng 10/2018, Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.

Hoàng Giang

Xem thêm: