Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng 155 USD so với năm 2017 và 325 USD so với năm 2016. Tuy nhiên, mức thu nhập trên vẫn còn cách xa mục tiêu 3.200 – 3.500 USD/người vào năm 2020.

cong nhan shutterstock 513656860 e1539656569488
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. (Ảnh: Shutterstock)

Thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10.

Theo ông Dũng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể cao hơn 6,7% so với năm 2017, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,55 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD).

Như vậy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vào khoảng 2.540 USD/người, tăng 155 USD so với năm 2017 và 325 USD so với năm 2016. Nếu so với năm 2015, chỉ tiêu này đã tăng 1,2 lần.

Tuy nhiên, mức thu nhập trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt từ 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020.

GDP binh quan dau nguoi
(Số liệu: Bộ KH&ĐT)

So với mức GDP bình quân đầu người chung của thế giới là 11.370 USD (1), thì mức thu nhập bình quân của người Việt vẫn còn thấp hơn gấp 4,5 lần. Còn khi so sánh với các nền kinh tế mới nổi có GDP bình quân đạt khoảng 5.240 USD/người, Việt Nam cũng kém hơn một nửa.

Trong khu vực ASEAN, mức thu nhập bình quân 2.540 USD của Việt Nam còn thấp hơn Lào (2.690 USD); Indonesia: 3.790 USD; Philippines: 3.100 USD; thấp hơn nhiều lần so với Malaysia (10.700 USD); Thái Lan (7.080 USD).

Về phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng cho biết 9 tháng đầu năm có hơn 96.610 công ty thành lập mới, nhưng cũng có 73.100 đơn vị ngừng hoạt động (tăng 48% so với cùng kỳ).

Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao gấp 1,5 lần khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh lo ngại, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, điều hành kinh tế vĩ mô cần lưu ý đến sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Đặc biệt, các cân đối lớn của nền kinh tế cần được đảm bảo, kiểm soát lạm phát và lựa chọn thời điểm tăng giá, mức độ tăng phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cần tiếp tục cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ, giảm bội chi ngân sách.

Trước đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết ước tính Ngân sách Nhà nước năm 2018 thu tiếp tục bội chi 204.000 tỷ đồng, tương đương gần 9 tỷ USD.

Chú thích:

(1) Theo số liệu cập nhật đến tháng 10/2018 của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Tường Văn

Xem thêm: