Sau một vài tuần tăng, giá dầu lại đang có chiều hướng giảm và điều này khiến các nhà đầu tư một lần nữa phải nghi ngại đặt câu hỏi về sự khởi sắc của thị trường dầu trong năm 2017. Rủi ro thị trường của khai thác dầu nói riêng và ngành năng lượng nói chung đã lan tỏa sang khu vực tài chính của nhiều nền kinh tế, nợ xấu, nợ nguy cơ mất vốn của ngành ngày một tăng.

dau giam du san luong giam
(Ảnh: Shutterstock)

Giá dầu giảm dù cắt giảm sản lượng khai thác chủ yếu do giảm cầu

Nhằm nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ, hồi tháng 11/2016 OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2017, bổ sung thêm việc cắt giảm 558.000 thùng/ngày của các nhà sản xuất độc lập như Nga, Oman và Mexico. Đến nay, thực tế các thành viên OPEC đã cắt giảm sản lượng 958.000 thùng/ngày trong số 1.164 triệu thùng/ngày, tương đương với 82% sản lượng cắt giảm đã cam kết.

Tuy nhiên, những nỗ lực này lại đang bị đe dọa khi sản lượng tăng lên ở những quốc gia khác trong khi cầu chậm lại. Chẳng hạn như ở Mỹ, số lượng giếng khoan ngày một tăng lên, đạt mức cao nhất trong 14 tháng, tăng hơn 20% kể từ khi đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Thêm vào đó, tiêu thụ xăng của Mỹ, một trụ cột quan trọng đối với nhu cầu dầu thô, cũng đang giảm xuống.

Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo dự báo của BMI Research, có thể sẽ nhập khẩu dầu thô ít đi do việc bảo dưỡng của nhà máy lọc dầu và do các nhà máy lọc dầu độc lập được cung cấp một hạn ngạch nhập khẩu dầu thô hàng năm ít hơn.

Ngoài ra, số liệu tồn kho xăng tăng gần 21 triệu thùng trong 27 ngày đầu năm 2017 cũng cho thấy tình trạng dư cung vẫn đang diễn ra. Là đầu vào quan trọng của sản xuất công nghiệp, giảm cầu dầu thô cho thấy năng lực sản xuất và sức tiêu dùng của các nền kinh tế lớn chưa thực sự phục hồi.

Chình vì vậy, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, giá dầu toàn cầu sẽ có nhiều biến động mạnh trong năm 2017, ngay cả khi các thị trường đã có thể tái cân bằng theo cam kết thực hiện cắt giảm sản lượng của OPEC cho đến hết nửa đầu năm 2017.

Các công ty năng lượng xa lầy, tín dụng cấp cho các doanh nghiệp trong ngành phần lớn trở thành nợ xấu tại các định chế tài chính

Rõ ràng là, bất chấp việc cắt giảm của OPEC có hiệu lực từ đầu năm 2017, giá dầu thô Brent kỳ hạn thấp hơn 2,6% so với mức đỉnh đầu tháng 1. Hàng loạt hãng dầu khí lớn vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, ít nhất phải chờ đến cuối quý II năm 2017, khi mà việc giảm thiểu nguồn cung dầu thô có chuyển biến rõ rệt thì mới có cơ sở kỳ vọng giá dầu sẽ tăng cao trong giai đoạn nửa cuối năm.

Trong nước, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nhận định rằng, nếu giá dầu trong năm 2017 duy trì ở mức 50 USD/thùng thì việc khai thác mỏ sẽ tiếp tục khó khăn. Trước đó, năm 2016, khi giá dầu trung bình ở mức 45 USD/thùng, công ty này đã phải duy trì khai thác một số mỏ dưới mức hòa vốn.

Trên thế giới, Goldman Sachs cho biết khoảng 40% các khoản vay mà quỹ này giải ngân cho các công ty dầu, khí đốt đã trở thành tài sản độc hại, nợ xấu khó thu hồi. Các khách hàng này liên tiếp bị hạ mức tín nhiệm và phần nhiều trong đó không còn khả năng chi trả. Tổng số tiền Goldman Sachs cho các công ty dầu khí vay lên đến 10,6 tỷ USD, trong đó có khoảng 4,2 tỷ USD bị liệt vào nợ xấu.

Không chỉ Goldman Sachs cho các công ty năng lượng vay vốn. Susquehanna Financial Group LLP cho hay, còn có nhiều định chế tài chính khác với lượng tiền còn lớn hơn nhiều so với Goldman Sachs cũng đang đối mặt với tình huống này, chẳng hạn như Citigroup Inc., ngân hàng này đã cho các công ty năng lượng vay đến 58 tỷ USD; hay Wells Fargo & Co cũng cho các công ty năng lượng vay 17 tỷ USD.

Exxon, Shell, BP và Chevron là những công ty xăng dầu lớn nhất thế giới, tuy nhiên bộ tứ này vẫn đang phải gánh trên lưng những khoản nợ không hề nhỏ và chưa biết đến khi nào mới có thể có bước đột phá.

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: