Giá dầu thế giới đã tăng hôm thứ Năm (21/4) do lo ngại về nguồn cung khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và Libya đột ngột bị giảm sản lượng.

shutterstock 1742498723
EU vẫn cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, lo ngại sản lượng sụt giảm, giá dầu Brent tăng lên hơn 107 USD/thùng. (Ảnh: Fotogrin/Shutterstock)

Các nhà phân tích cho biết thị trường dầu thô có thể sẽ sớm tăng trở lại do lo ngại về việc EU còn đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hôm 21/4, giá dầu thô Brent tương lai tăng 1,13 USD, lên 107,93 USD/thùng (tăng 1,1%). Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 81 cent, tương đương 0,8%, lên 103 USD/thùng.

Bên cạnh đó, Libya-một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hôm thứ Tư cho biết nước này đang mất hơn 550.000 sản lượng thùng dầu mỗi ngày do các biện pháp phong tỏa tại các mỏ lớn và các cảng xuất khẩu. Điều này góp phần khiến giá dầu tăng do nguồn cung sụt giảm đột ngột.

Theo Reuters, biến động của thị trường dầu mỏ vẫn gắn liền với OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+. Các tổ chức này vật lộn với việc đạt mục tiêu sản xuất và nguồn dự trữ của Mỹ giảm mạnh trong cuối tuần vừa qua (hôm 15/4). Theo đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng lên hơn 4 triệu thùng/ngày, bù đắp một phần thiếu hụt dầu thô của Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Tập đoàn đầu tư tài chính-ngân hàng toàn cầu UBS cho biết khả năng cung cấp dầu của các nước trên vẫn còn đang hạn chế. “Với việc chỉ có hai quốc gia trong liên minh OPEC+ nắm giữ công suất dự phòng đáng kể là Saudi Arabia và UAE, nhóm này đang thận trọng trong việc gia tăng sản lượng sau dịch COVID-19”, UBS nhận định.

Giới phân tích cho rằng triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới) tiếp tục tạo gánh nặng lên thị trường dầu mỏ, với chính sách Zero-COVID có chiều hướng cực đoan, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, nhà ga Biển Đen của Tập đoàn Đường ống Caspian có thể trở lại công suất tối đa trong tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov cho biết hôm thứ Tư.

“Việc nối lại hoạt động giao dầu thô CPC sẽ được bù đắp phần nào cho việc tiếp tục sụt giảm nguồn cung ở Libya và khả năng nhiều dầu thô của Nga bị chặn đứng khỏi thị trường khi đối mặt với lệnh cấm của EU”, Vandana Hari, nhà phân tích thị trường dầu của Công ty Vanda Insights cho biết.