Giá nhà ở Trung Quốc tiếp tục tăng lên ở nhiều thành phố, bất chấp hàng loạt biện pháp hạn chế cầu. Dường như các nỗ lực hành chính của Trung Quốc chỉ đang vá được những lổ hổng lớn trong khi điều đó tạo nên các rò rỉ nhỏ khác. Thực trạng này là dấu hiệu dẫn tới đổ vỡ hệ thống tài chính Trung Quốc và có thể bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, vào hôm thứ Bảy, giá nhà mới (không bao gồm nhà ở trợ cấp) đã tăng tại 56 trong số 70 thành phố đang thuộc diện giám sát của Chính phủ trong tháng 2/2017, so với 45 thành phố trong tháng 1/2017.

So sánh cùng kỳ năm ngoái, giá nhà ở đã leo thang ở 67 trên 70 thành phố, so với con số 66 thành phố trong tháng Giêng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, giá nhà ở tại hầu hết các thành phố ở Trung Quốc đã tăng đột biến. Tại Bắc Kinh, giá nhà mới đã tăng 24% trong tháng 2 so với năm trước, trong khi Thượng Hải tăng 25%, và ở Thẩm Quyến là 14%.

Để giảm sức nóng thị trường nhà đất, Bắc Kinh ban hành một loạt các chính sách hạn chế cầu nhà đất và đầu cơ. Thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng thêm 10% lượng tiền đặt cọc cho căn nhà thứ hai từ 50% lên 60%, và thậm chí có thể lên đến 80%. Quy tắc này cũng áp dụng cho bất kỳ những ai đã từng có khoản vay mua nhà, cho dù hiện tại có còn sở hữu nhà hay không. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn đình chỉ các khoản vay nhà ở có thời hạn từ 25 năm trở lên.

Xia Dan, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Giao thông tại Thượng Hải cho biết thêm: “Chính phủ sẽ dùng các biện pháp để chấm dứt tình trạng tăng giá và ổn định giá nhà ở”, ông nhấn mạnh thêm rằng nếu không có các biện pháp hạn chế cầu kịp thời, giá sẽ còn tăng thêm. “Chính phủ không muốn giá bất động sản tăng nóng và tạo ra nguy cơ khủng hoảng bong bóng bất động sản.”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường tại phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp quốc gia hồi đầu tháng này cho biết: “Chúng ta nên điều tiết tốt hơn hoạt động phát triển nhà, tiếp thị và các dịch vụ trung gian, giữ giá nhà không tăng quá nhanh tại các thành phố lớn.”

Zhang Hongwei, giám đốc nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bất động sản Tospur ở Thượng Hải cho rằng, việc thắt chặt của Bắc Kinh sẽ có tác động ngắn hạn để ổn định thị trường, nhưng về lâu dài thì sẽ ngày càng yếu đi và thị trường mới là yếu tố mang tính quyết định.

Trong một ghi chú của nhà phân tích hãng thông tấn Bloomberg, Kristy Hung cho rằng việc ngăn chặn đà tăng giá tại các thành phố lớn ở phía Đông của Trung Quốc dường như làm chuyển hướng nhu cầu sang các khu vực nhỏ hơn. Thực vậy, giá nhà tăng hàng tháng chủ yếu đến từ các thành phố nhỏ như Tam Á (một điểm đến du lịch nổi tiếng của Trung Quốc), và các thành phố thế hệ thứ ba của Trung Quốc như Thiều Quan và Cửu Giang, nơi mà không có giới hạn mua nhà, đều có mức tăng giá 1,1%.

Nhận định này nói lên một điều rằng Trung Quốc chỉ đang vá những lỗ hổng lớn trong khi điều đó tạo nên các chỗ rò rỉ nhỏ khác và vấn đề không thể được giải quyết theo cách đó.

Theo nhận định trong một báo cáo của Deutsche Bank and Bank of America, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu có thể phụ thuộc vào việc xử lý bong bóng nhà đất tại Trung Quốc của Chính phủ Bắc Kinh. Giá bất động sản tăng vọt đã mở đường cho hiệu ứng tăng giá tài sản gấp đôi thu nhập khả dụng hằng năm của Trung Quốc. Nếu các biện pháp thắt chặt vẫn tỏ ra kém hiệu quả như hiện tại, rất có thể điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ bong bóng; khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Nghiêm trọng hơn nữa, thực trạng bong bóng bất động sản không thể kiểm soát hiện nay có thể dẫn tới khủng hoảng đổ vỡ hệ thống tài chính của Trung Quốc; phần lớn khối tài sản 35 nghìn tỷ USD của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đang được đảm bảo bằng bất động sản. Báo cáo của các ngân hàng này cũng nhấn mạnh, làn sóng giảm phát lan rộng toàn cầu từ nguy cơ đổ vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc sẽ rất thảm khốc, đủ để đẩy kinh tế thế giới rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới.

Chân Hồ (T/H)

Xem thêm: