Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 5,7% trong một năm qua. Đây là mức tăng cao nhất trong 39 năm trở lại đây.

woman standing beside pineapple fruits 2292919
Ảnh minh họa (Ảnh: Artem Beliaikin/ Pexels)

Theo hãng tin AP, thứ Năm ngày 23/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo về việc tăng giá tiêu dùng cho tháng 11. Trước đó, tính đến tháng 10, trong 12 tháng, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 5,1%, tiếp tục chuỗi tăng giá hàng năm, vượt xa mục tiêu lạm phát 2% do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề ra.

Trong 12 tháng qua, chi phí mà một gia đình điển hình ở Mỹ phải trả đã tăng khoảng 4.000 đô la, theo tính toán của Jason Furman, nhà kinh tế học Đại học Harvard.

Mức chi tiêu của người tiêu dùng chiếm 70% hoạt động kinh tế của Mỹ. Chỉ số kinh tế này đã tăng 0,6% trong tháng 11. Mặc dù chỉ số này tiếp tục tăng, nhưng nó đã thấp hơn mức tăng mạnh 1,4% trong tháng 10.

Thu nhập cá nhân tăng 0,4% trong tháng 11, thấp hơn một chút so với mức tăng 0,5% trong tháng 10. Vào tháng 9, chỉ số này đã giảm 1%. Một số chương trình phúc lợi của chính phủ (như trợ cấp thất nghiệp mở rộng) đã kết thúc vào tháng 9.

Mức tăng mạnh của chỉ số giá (thước đo sự thay đổi của giá theo thời gian) do Bộ Thương mại báo cáo, cũng tương tự như mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Tính đến hết tháng 11, trong 12 tháng, chỉ số này đã tăng 6,8%, mức tăng cao nhất trong 39 năm qua.

Mặc dù “Chỉ số giá tiêu dùng” (CPI) là một chỉ số giá được biết đến rộng rãi hơn, nhưng FED lại có xu hướng tuân theo chỉ số giá “Chi tiêu tiêu dùng cá nhân” (PCE) khi xây dựng chính sách lãi suất để chống lạm phát.

Chỉ số giá PCE theo dõi việc mua hàng thực tế của người tiêu dùng mỗi tháng. Trong khi CPI theo dõi mức tiêu thụ cố định trên thị trường.

Trong tháng 11, chỉ số giá PCE của Mỹ tăng 0,6%, thấp hơn một chút so với mức tăng 0,7% của tháng 10. Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm biến động mạnh) đã tăng 0,5% trong tháng 11 và tăng 4,7% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng nhanh nhất trong các chỉ số cốt lõi kể từ mức tăng 5,1% trong 12 tháng, kể từ tháng 9/1983.

Một loạt những yếu tố bắt nguồn từ việc phục hồi kinh tế vì suy thoái do đại dịch đã thúc đẩy lạm phát: Chính phủ ồ ạt bơm tiền kích thích kinh tế; FED ấn định lãi suất cực thấp; Các công xưởng thiếu nguồn cung; Sản xuất bị đình trệ do các cơ sở đóng cửa vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và do các hải cảng và bãi vận chuyển hàng hóa bị ùn tắc.

Chủ thuê mướn lao động đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân công cũng đã tăng lương. Nhiều người phải tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn, do đó thúc đẩy lạm phát gia tăng.

Theo AP, tình trạng tăng giá bắt đầu sau khi đại dịch xảy ra, đã lan sang lĩnh vực dịch vụ, từ tiền thuê căn hộ, bữa ăn ở nhà hàng đến các dịch vụ y tế và giải trí. Ngay cả một số nhà bán lẻ vốn xây dựng hoạt động kinh doanh dựa trên sự hấp dẫn của mức giá cực thấp cũng bắt đầu tăng giá.

Bình Minh (t/h)

Xem thêm: