Chỉ trong phiên giao dịch sáng ngày 18/7, giá vàng SJC đã rớt sâu xuống khoảng 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước, giá phổ biến bán ra ở mức 65,3 – 66 triệu đồng/lượng tùy nơi. Đến phiên đầu giờ chiều, đà giảm vẫn chưa dừng khi giá vàng SJC niêm yết 64 triệu đồng/lượng (chiều mua) – 65,3 triệu đồng/lượng (chiều bán).

giá vàng SJC lao dốc giá vàng miếng vàng SJC vàng miếng trong nước scaled
Tại thời điểm 14h ngày 18/7, giá vàng tiếp tục giảm sâu gần 2,5 – 3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. (Ảnh chụp màn hình: sjc.com.vn)

Chỉ trong sáng 18/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) đã điều chỉnh giảm với mặt hàng vàng miếng một mạch gần 2 triệu đồng so với giá mở cửa. Trong đó, giá vàng miếng bán ra của SJC phổ biến ở mức 65,2 – 66 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), thấp hơn 1,75 triệu đồng/lượng so với mở cửa buổi sáng. Nếu so với cuối tuần trước, mức giảm của vàng miếng SJC lên tới 1,95 triệu đồng/lượng.

Tuy vậy, đà giảm tiếp tục không ngừng vào phiên giao dịch buổi chiều, tại thời điểm 14h, Trí Thức VN ghi nhận tại website của Công ty SJC đã đưa ra mức giá 64 triệu đồng/lượng (chiều mua) – 65,3 triệu đồng/lượng (chiều bán).

Theo trang Zing, buổi sáng tại khu vực Hà Nội, các điểm giao dịch của SJC chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 65,2 triệu/lượng và bán ra cao hơn 20.000 đồng so với TP.HCM, cố định ở mức 66,02 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, so với cuối tuần trước, giá bán ra này cũng đã giảm gần 2 triệu đồng/lượng.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá giao dịch vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng ngày 18/7. Theo đó, cuối tuần trước, công ty này vẫn chấp nhận mua vào vàng miếng ở mức 67,35 triệu/lượng và bán ra ở 67,95 triệu/lượng. Đến sáng nay, giá mặt hàng này đã bị điều chỉnh giảm liên tục, đến 11h30 chỉ còn được mua vào ở mức 65,25 triệu/lượng và bán ra ở 66,05 triệu đồng, tương đương giảm ròng 1,9 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Còn Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã đưa giá bán vàng miếng xuống mốc 65,9 triệu/lượng phiên sáng nay, thấp hơn 2 triệu đồng so với đầu giờ sáng và cuối tuần trước. Trong khi đó, giá mua vào tại đây cố định ở 65,1 triệu đồng, giảm ròng 2,3 triệu so với cuối tuần trước.

Đà giảm kể trên của vàng miếng trong nước cũng đã kéo chênh lệch giá so với vàng thế giới xuống còn 17,2 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt vào khoảng 48,8 triệu/lượng (theo tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank).

Như vậy, nếu tính cả chênh lệch giá mua – bán các doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng miếng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ hơn 3 triệu đồng/lượng, tương đương 2,8% giá trị đầu tư.

Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay phổ biến ở mức 1.716 USD/ounce, tăng 8 USD so với cuối tuần trước. Giới chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể sẽ nâng lãi suất 100 điểm phần trăm, mức cao lịch sử trong cuộc họp cuối tháng 7/2022.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 15/7 chính thức đề xuất gói trừng phạt mới nhất áp lên Moskva, trong đó có lệnh cấm nhập vàng Nga.

“Gói trừng phạt hôm nay sẽ đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu mới, áp dụng với vàng Nga, đồng thời củng cố chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao và lưỡng dụng (dùng trong cả quân sự và dân sự)”, EC cho biết trong thông báo, “Những việc này sẽ khớp các lệnh trừng phạt của EU với của G7. Nó cũng giúp EU siết lệnh phong tỏa tài sản”.

Thanh Minh