Truyền thông trong nước đưa tin giá xăng dầu có thể tăng lần 7 liên tiếp vào ngày mai 21/6, đẩy giá mặt hàng thiết yếu này lên cao chưa từng có. Trước đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì người dân không thấy được tính hiệu quả trong việc bình ổn giá, Bộ Công thương đã có những phản hồi liên quan vấn đề này.

nguon cung xang dau trong nuoc cung xang dau bao dam den quy 2 gia xang dau
Xăng dầu có thể tăng lần thứ 7 liên tiếp kể từ đầu tháng 4. (Ảnh: Trí Thức VN)

Kỳ điều chỉnh giá ngày mai 21/6, báo chí trong nước đưa tin giá xăng dầu có thể tăng 400-600 đồng/lít, dự kiến đẩy giá xăng RON95 lên gần 33.000 đồng/lít (vùng 1) và hơn 33.600 đồng/lít (vùng 2).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặt hàng xăng dầu đã có 11 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Cụ thể, xăng RON95 tăng 9.080 đồng/lít (39%); E5 RON92 tăng 8.560 đồng/lít (38%); dầu Diesel tăng 11.450 đồng/lít (65%),…

Từ tháng 4 đến nay, liên Bộ Công thương – Tài chính đã có 6 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp, dù mặt hàng này được giảm thuế bảo vệ môi trường từ hôm 1/4 (xăng giảm từ 4.000 đồng xuống 2.000 đồng/lít; dầu giảm từ 2.000 còn 1.000 đồng/lít,…).

Tại họp báo chiều ngày 16/6, báo chí trong nước đặt câu hỏi về đề xuất bỏ quỹ bình ổn và liệu nhiệm vụ “bình ổn” của quỹ này thời gian qua đã hoàn thành hay chưa.

Bà Lê Việt Nga – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết việc này cần nghiên cứu, sau đó Bộ Công thương sẽ đưa ra ý kiến có nên bỏ hay không. Tuy vậy, bà Nga cho rằng quỹ bình ổn này khiến giá xăng dầu của Việt Nam không bị tăng mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cần biện pháp để giảm tác động của giá xăng dầu.

Nếu không có quỹ, lần điều chỉnh trước liên Bộ tăng giá xăng dầu lên 4.000-5.000 đồng/lít thì lúc đó làm thế nào, ông Hải đặt vấn đề.

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước nhờ quỹ này nên mức tăng vẫn thấp hơn. Tuy vậy, Quỹ bình ổn này có mức độ, do vậy không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Hải cho biết.

Tuy vậy, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho biết bản chất của quỹ bình ổn giá xăng dầu là nếu làm tốt thì sẽ ổn định giá, bằng cách thu tiền của người dân khi giá thấp cho vào quỹ và khi giá xăng tăng cao thì dùng tiền đó bù lại. Như vậy, người dân không được lợi gì từ quỹ bình ổn, nghĩa là không được bù chi phí, vì đó chính là tiền của họ trích lập trước rồi chi trả sau – Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đưa tin.

“Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn là không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng”, ông Thế Anh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới. Người quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề này đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, càng làm bất ổn giá xăng chứ không tạo ra sự bình ổn. Việc kiềm chế giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào quyết định giảm thuế phí của cơ quan nhà nước.

Theo tính toán, xăng ở Việt Nam chịu các loại thuế phí lên đến hơn 40%, còn các loại dầu gánh từ 21-27% thuế phí.

Về thuế phí xăng dầu, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thêm thuế bảo vệ môi trường từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu Diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức 300 đồng/kg.

Nếu đề xuất trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, mức thuế bảo vệ môi trường mới dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 – 31/12/2022.

Đức Minh