Giá xăng từ 15h ngày 21/2 giảm 320 đồng/lít, còn dầu Diesel giảm 700 đồng/lít. Bộ Tài chính mới đây cho biết vẫn tiếp tục giữ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, trong khi nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người dân cho rằng nên bỏ bớt thuế vì đây là mặt hàng thiết yếu.

cay xang gia xang dau lien bo cay xang dong cua
Giá xăng RON95 giảm còn 23.440 đồng/lít sau 2 lần tăng liên tiếp. (Ảnh minh họa: CTV/Trí Thức VN)

Cụ thể, liên Bộ Công thương – Tài chính đồng loạt điều chỉnh giảm giá các loại xăng, dầu:

– Xăng RON95-III có giá 23.440 đồng/lít (giảm 320 đồng/lít).

– Xăng E5 RON92 có giá 22.540 đồng/lít (giảm 320 đồng/lít).

– Dầu Diesel giá 20.860 đồng/lít (giảm 700 đồng/lít).

– Dầu hỏa giá 20.840 đồng/lít (giảm 750 đồng/lít).

– Dầu mazut có giá 14.250 đồng/kg (tăng 620 đồng/kg).

Như vậy, giá xăng ở Việt Nam quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 6 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 1 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng đây là thuế được áp dụng với các mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia, xe sang… Xăng là mặt hàng tiêu dùng phổ biến, thiết yếu trong sản xuất, tiêu dùng nên, theo họ cần xem xét lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

“Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ảnh với VCCI trong thời gian qua”, VCCI nhấn mạnh.

Còn Bộ Tài chính cho biết vẫn giữ Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu xăng ở mức 7-10% với lý do cũ “xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm”.

Hiện, Bộ Công thương vẫn đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Về phía doanh nghiệp, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang), cho biết với mỗi cửa hàng hiện nay, chi phí tối thiểu ước khoảng 100 triệu đồng/tháng, báo Dân Trí đưa tin.

“Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh”, ông Tùng nói.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang kiến nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối.

TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Xăng dầu nên để thị trường quyết định. Với cách quản lý hiện hành, phần lỗ Nhà nước bắt doanh nghiệp chịu là vô lý. Để giải quyết tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, Nhà nước cần nhiều giải pháp như bỏ trần giá xăng dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá và thậm chí tính đến bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước”.

“Cần có dự trữ xăng dầu quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm ra. Cần công bằng với DN. Các quy định như bắt DN thực hiện dự trữ, mua của một đầu mối hay nhiều đầu mối cũng cần bỏ. Việc dự trữ là do Nhà nước thực hiện. Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh”, ông Cung nói.

Tuấn Minh