Từ 15h ngày 13/3, giá xăng các loại tăng từ 380 – 490 đồng/lít, lên gần ngưỡng 24.000 đồng/lít. Trong khi đó dầu Diesel tăng thêm 250 đồng, thấp hơn xăng RON95 khoảng 3.300 đồng/lít. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết chiết khấu vẫn thấp và bị cố tình “bóp” nguồn cung trước thời điểm gần ngày tăng giá bán.

Bộ Tài chính cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu tồn dư tới hơn 4.670 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022 và tiếp tục tăng đến nay. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Theo đó, do kỳ điều hành ngày 11/3 trùng vào thứ Bảy nên thời gian điều hành được liên Bộ Công thương – Tài chính lùi sang ngày làm việc tiếp theo, tức hôm nay (13/3). Cơ quan này đồng loạt tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể:

– Xăng RON95 giá 23.810 đồng/lít (tăng 490 đồng/lít).

– Xăng E5 RON92 giá 22.800 đồng/lít (tăng 380 đồng/lít).

– Dầu Diesel tăng giá 20.500 đồng/lít (tăng 250 đồng/lít).

– Dầu hỏa có giá 20.710 đồng/lít (tăng 240 đồng/lít).

– Dầu mazut giá 15.270 đồng/kg (tăng 720 đồng/kg).

Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng sau 2 lần giảm trước đó. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Hiện nay, tồn dư Quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến ngày 1/3, Petrolimex dương 2.164 tỷ đồng, Saigon Petro dương 301 tỷ đồng, Petimex là 382 tỷ đồng…

Tại kỳ này, liên Bộ tiếp tục trích lập vào quỹ tăng 50 – 100 đồng với mỗi lít xăng; dầu Diesel giảm 200 đồng, còn dầu hỏa và mazut giữ nguyên như kỳ điều hành hôm 1/3.

Cụ thể, mức trích lập vào Quỹ bình ổn với RON 95-III (loại xăng phổ biến trên thị trường) tăng từ 200 đồng lên 300 đồng một lít; E5 RON92 tăng từ 250 lên 300 đồng. Mức trích lập với dầu Diesel giảm từ 500 đồng về 300 đồng một lít.

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến quý 4/2022, Quỹ bình ổn Xăng dầu tồn dư số tiền lên tới hơn 4.670 tỷ đồng. Đây là số tiền người dân mua xăng dầu phải trả thêm trong giá bán và giữ tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến chuyên gia cho biết nên bỏ trích lập tiền vào Quỹ này vì không phát huy tác dụng trong việc bình ổn xăng dầu, còn cơ quan nhà nước vẫn muốn giữ lại.

Riêng trong quý 4/2022, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tăng thêm tới 2.155 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thời điểm ngày 30/9/2022 (tồn dư 2.540 tỷ đồng).

Doanh nghiệp đầu mối “quyền lực lớn”, có thể ép chiết khấu và nguồn cung?

Về thị trường, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ bị đối tác là đầu mối, tổng đại lý giảm lượng cung hàng, thậm chí “bóp” chiết khấu trong thời điểm cận ngày điều chỉnh giá, theo báo Dân Việt.

“Chúng tôi nhận được trả lời là lấy số lượng có hạn, vừa đủ bởi họ nói phải dành cho đại lý khác. Trong khi đó, chúng tôi biết là tổng đại lý cố tình hạn chế nguồn cung. Việc này thường diễn ra khi mà giá xăng dầu được dự đoán tăng trong thời gian điều chỉnh”, bà Hoàng Minh Thu, chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói.

Việc tự cho quyền chiết khấu, khiến quyền lực của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân là rất lớn, họ thích cho chiết khấu bao nhiêu là quyền của họ, gây ức chế cho doanh nghiệp bán lẻ, bà Thu cho hay.

Một doanh nghiệp bán lẻ phía Nam cũng phản ánh: Trước thời điểm điều chỉnh giá, chiết khấu luôn biến động, tăng – giảm đột biến cho dù thị trường ngày hôm đó “rất yên bình”. Lý do là đầu mối biết rõ giá cơ sở chuẩn bị được điều chỉnh nên sử dụng chiết khấu sao cho có lợi cho mình, theo báo Thanh Niên.

Quan trọng hơn là lượng hàng cấp cho cửa hàng giảm lại, giới hạn đủ bán trong ngày hoặc hơn một ngày, không cho lấy nhiều bán 3 – 4 ngày như trước.

Theo ông Giang Chấn Tây, Chủ doanh nghiệp xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng: Nếu không quy định chiết khấu tối thiểu, không phân chia chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức theo một tỷ lệ rõ ràng thì Nghị định mới cần quy định là giá bán buôn của doanh nghiệp đầu mối phải nhỏ hơn 95% gián bán lẻ.

Và thương nhân đầu mối không được lợi dụng đưa các loại chi phí khác vào để cộng chung với giá bán buôn lại lớn hơn giá bán lẻ.

Ngoài ra, ông Tây cho rằng doanh nghiệp bán lẻ nên được nghỉ bán hàng nếu thấy kinh doanh không có lãi, không bị Nhà nước ép bởi những lý do chung chung như ổn định kinh tế vĩ mô, đặc thù phục vụ người tiêu dùng, v.v..

Trọng Minh