Giá xăng tại Việt Nam đang không hề tương xứng với mức thu nhập trung bình của người dân – vốn đã thấp nhưng lại đang chi trả tiền thuế, phí cao hơn gấp nhiều lần so với thế giới.

gia xang RON95
Giá xăng leo dốc thẳng đứng bất chấp áp lực lạm phát vào thời điểm cuối năm. (Ảnh: Gia Bảo)

Gần đây, Chính phủ đã ra hàng loạt quyết định quan trọng liên quan đến điều hành giá xăng dầu – một yếu tố quan trọng trong cấu thành giá thành và chi phí của doanh nghiệp ở tầm vi mô cũng như tác động đến mức độ lạm phát của nền kinh tế.

Theo đó, giá xăng đã có 3 phiên điều chỉnh tăng giá liên tục chỉ trong một tháng trở lại với mức tăng lũy kế gần 1.300 đồng/lít (chưa kể số trích của quỹ bình ổn giá).

Thêm vào đó, Quốc hội cũng vừa thông qua đề xuất tăng kịch trần 4.000 đồng/lít thuế môi trường đối với xăng, khiến mỗi người dân sẽ phải chi trả thêm 1.000 đồng/lít xăng kể từ thời điểm 1/1/2019. Tổng cộng người tiêu dùng sẽ phải chi trả thêm gần 2.300 đồng/lít (nếu giá xăng từ nay đến cuối năm không thay đổi), so với đầu năm, mức chi trả thêm cho mỗi lít xăng mà người tiêu dùng phải trả có thể lên tới hơn 3.600 đồng/lít.

Gia xang tang thang dung 6.10

Một trong những lý do đầu tiên của việc tăng giá xăng dầu được cơ quan điều hành của chính phủ đề cập đến là do giá dầu thô thế giới thời gian qua tăng mạnh. Tuy nhiên, đó mới chỉ một nửa câu chuyện.

Thống kê từ Globalpetrolprices.com cho thấy mặc dù giá dầu nguyên liệu thế giới tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng giá xăng (gasoline) thế giới lại tương đối ổn định gần đây và chỉ tăng nhẹ so với đầu tháng 8 (đường màu đỏ bên dưới).

gia xang dau the gioi 1 10 2018
(Nguồn: Globalpetrolprices.com)

Vậy phải chăng “giá dầu thế giới tăng” là một cái “cớ” mà liên Bộ Công thương – Tài chính vin vào để hợp thức hóa việc tăng giá?

Có thể thấy, chưa nơi nào mà giá xăng lại tăng thẳng đứng và tăng mạnh như ở Việt Nam, cộng với mức thu nhập trung bình của người dân Việt đang thuộc nhóm thu nhập thấp, thì giá xăng tăng đang hoàn toàn không tương xứng với mức thu nhập mà người dân đang có.

Cụ thể, trong nhóm 115 quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD/năm (1), tỷ lệ giá xăng chiếm trong thu nhập của người Việt Nam đang cao thứ 110/115 quốc gia.

ty le gia xang/thu nhap
(Nhấn vào hình để phóng to)

Tính riêng trong khu vực châu Á, tỷ lệ giá xăng chiếm trong thu nhập bình quân hàng ngày của người dân Việt Nam xếp cao thứ 27/28 quốc gia trong bảng nghiên cứu, tức chỉ thấp hơn Lào và Campuchia (không được đề cập trong nghiên cứu này vì thu nhập dưới 2.000 USD); và cao hơn nhiều quốc gia còn lại trong khu vực.

gia xang tren thu nhap chau a

Đáng chú ý, trong danh sách các nước trên, Việt Nam xếp hạng cuối cùng về mức thu nhập bình quân đầu người với chỉ 2.354 USD/người/năm, thấp hơn cả nước Lào (2.542 USD/người/năm).

Điều tương tự cũng xảy ra khi so sánh giá xăng chiếm trong phần trăm thu nhập của người dân với các khu vực châu Âu và châu Mỹ, bởi đặc trưng: người dân Việt có mức thu nhập thấp hơn rất nhiều người dân của các khu vực này, nhưng tỷ lệ tiền xăng chiếm trong thu nhập lại thuộc hàng cao nhất.

Thậm chí so với các quốc gia châu Phi, Việt Nam đều lép vế về mức thu nhập so với người dân tại lục địa Đen, trong khi giá xăng phải trả chiếm trong thu nhập của người Việt cũng lại cao hơn gấp nhiều lần.

gia xang tren thu nhap chau phi

Điều đó nói lên rằng giá xăng tại Việt Nam đang không hề tương xứng với mức thu nhập trung bình của người dân – vốn đã thấp lại còn phải chi trả tiền thuế, phí cao hơn gấp nhiều lần so với thế giới.

Chú thích:
  (1): Dữ liệu thu nhập lấy theo thống kê trực tuyến tại thời điểm tháng 9/2018 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
  Dữ liệu giá xăng trong bài dùng để tính tỷ lệ giá xăng/thu nhập được trang Statisticstimes.com lấy theo thống kê từ Globalpetrolprices.com tại thời điểm 10/9/2018.

Chân Hồ

Xem thêm: