Sợ chậm chân trước khi các đại gia công nghệ chiếm lĩnh thị trường, nhiều ngân hàng trung ương tập hợp thành lập trung tâm đổi mới công nghệ tài chính, nghiên cứu phát hành tiền ảo.

tien ao libra ngan hang
(Ảnh: Shutterstock)

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ là ngân hàng phục vụ các ngân hàng trung ương toàn cầu. Trước nay BIS vốn là một ngân hàng rất bảo thủ đối với vấn đề tiền ảo, tuy nhiên sau khi Facebook công bố kế hoạch ra mắt Libra, BIS dường như đã thay đổi quan điểm.

Mới tháng 3 năm nay, Chủ tịch BIS Agustín Carstens còn cho rằng các ngân hàng trung ương “không nhận thấy giá trị nào” trong việc tạo ra tiền ảo dành riêng cho giới ngân hàng. Thế nhưng Carstens nay lại có động thái hoàn toàn khác hẳn. Báo cáo thường niên của BIS phát hành 30/6 năm nay đã dành cả một chương trong tổng số bốn chương để viết về vai trò của các đại gia công nghệ đối với ngành tài chính.

Carstens cũng cho biết BIS đang làm việc với các ngân hàng trung ương để phát hành tiền ảo. “Có khá nhiều các ngân hàng trung ương đang làm việc đó, chúng tôi cũng làm việc tương tự, đang hỗ trợ cho họ. Và có thể sẽ sớm hơn chúng tôi mong đợi, thế giới sẽ xuất hiện một thị trường mà chúng tôi, những ngân hàng trung ương, cần phải phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.” – Carstens trả lời Financial Times.

Trong báo cáo thường niên, BIS cũng bày tỏ quan ngại về việc các công ty công nghệ lớn gia nhập vào thị trường tài chính trong thời gian gần đây, lưu ý rằng các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Amazon hay Alibaba đang nắm giữ một lượng khổng lồ thông tin, có khả năng đe doạ quyền riêng tư cũng như gây bất lợi cho các ngân hàng, cũng có nguy cơ gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu. “Những công ty này ngày càng quan tâm tới thị trường tài chính, tham gia vào mọi việc, từ cho vay vốn cho tới phát hành tiền tệ. Đó là vấn đề đáng để suy nghĩ” – báo cáo bổ sung.

Và để đối phó với vấn đề này, BIS quyết định thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính. Đồng thời, Thụy Sỹ, Hồng Kông, Singapore sẽ kết hợp với các tổ chức tiền tệ chính thống của mình để thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính, SwissInfo cho biết. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cũng đã bắt đầu nghiên cứu phát hành tiền ảo, và Carstens có vẻ đang ủng hộ điều này.

Facebook đã công bố Libra vào ngày 18 tháng 6, tuyên bố đây sẽ là một đồng tiền ổn định được bảo đảm bằng một rổ tiền tệ và tài sản. Dù chưa có công bố cụ thể, nhưng dự án tiền ảo của Facebook đã khẳng định sẽ gây chấn động thị trường.

>> Nhà đồng sáng lập Facebook: Tiền ảo Libra sẽ chuyển quyền lực nhầm người

“Với 2,7 triệu người dùng trên toàn bộ nền tảng (bao gồm cả Instagram, Messenger và WhatsApp), Facebook có lợi thế rất lớn. Không như những đồng tiền ảo thông thường, Facebook không cần phải thuyết phục người dùng đăng ký: nó đã có sẵn, và Libra chỉ cần được tích hợp vào các ứng dụng trên và trở thành một phần cuộc sống của họ.” – Phóng viên Matthew De Silva của tờ Quartz nhận định.

Dự án tiền kỹ thuật số của Facebook gây bão cho thị trường tiền ảo hiện tại, khiến thị trường rung lắc với biên độ lớn (lên xuống tới 30% chỉ trong 1 ngày) đồng thời nó cũng khiến giới ngân hàng trung ương phải hành động trước khi các đại gia công nghệ chiếm lĩnh thị trường.

Theo Quartz
Nguyên Hương