Sau hơn 3 tháng triển khai, Chính phủ Việt Nam vừa bỏ điều kiện doanh nghiệp (DN) buộc phải không có nợ xấu mới được vay vốn từ gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% (trong gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68). Tuy nhiên, điều kiện DN phải “hoàn thành quyết toán thuế năm 2020” không được đề cập trong nghị quyết chỉnh sửa về điều kiện hỗ trợ.   

cong xuong oto vung tau
Công nhân tại Toyota Vũng Tàu, ngày 6/1/2021. (Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết 126/NQ-CP (126.signed) sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo điều kiện sửa đổi, DN phải tạm dừng hoạt động hoặc cho lao động (có đóng bảo hiểm xã hội) ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Mức cho vay không thay đổi, tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế (đối với vay để trả lương ngừng việc)/số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế (đối với vay trả lương phục hồi sản xuất); tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Theo đó, Chính phủ đã bỏ điều kiện “Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” đối với DN của hai nhóm vay này.

Tuy nhiên, điều kiện phải “hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” đối với các DN trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng muốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh, không được đề cập tại Nghị quyết 126 sửa đổi Nghị quyết 68.

Điều kiện về quyết toán thuế 2020 được nêu tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 (23-qd.signed) để thực hiện Nghị quyết 68 nói trên.

Với quy mô 7.500 tỷ đồng, sau gần 3 tháng triển khai, tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động, theo công bố của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Đào Minh Tú hôm 12/10. Theo đó, mức giải ngân chỉ đạt 6,1% quy mô vốn hỗ trợ.

Đáng lưu ý, cũng trong buổi công bố, ông Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp bộ ngành đề xuất Chính phủ bỏ yêu cầu không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại Nghị quyết 68. “Gói cho vay lãi suất 0% trả lương nhân viên có thể chỉ còn một điều kiện duy nhất là DN tạm dừng hoạt động hoặc cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội ngừng việc trong ít nhất 15 ngày”, ông Tú nói.

Từ phản ánh của một số DN và giới chức các tỉnh thành trước đó, trong 3 điều kiện của gói vay 7.500 tỷ, gồm DN phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục (từ ngày 1/5 đến hết tháng 3/2022), không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020, hai điều kiện sau là khó đáp ứng nhất.

Về lý do, DN khó tránh khỏi nợ xấu trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn từ năm 2020 tới nay, và cơ quan thuế trả lời chưa thanh-kiểm tra nên không thể xác định cho DN quyết toán thuế năm 2020, mà chỉ cấp giấy tờ chứng nhận DN đã nộp thuế nhưng chưa thanh – kiểm tra.

Ngoài điều chỉnh điều kiện cho DN vay hỗ trợ, DN được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất với điều kiện số người lao động giảm từ 10% trở lên (thay vì từ 15% trở lên); tính từ tháng 1/2021 (thay vì từ tháng 4/2021).

Mở rộng nhóm người được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Một số nhóm người lao động, hộ kinh doanh được bổ sung vào gói hỗ trợ theo điều chỉnh tại Nghị quyết 126, gồm:

Với  hỗ trợ từ 1,85 – 3,71 triệu đồng/người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, ngoài nhóm người lao động bị tạm hoãn do DN phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch, bổ sung thêm nhóm người lao động phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa nên không thể đi làm; người lao động làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện trong khu vực phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với hỗ trợ 1 triệu đồng/người lao động bị ngừng việc, bổ sung thêm nhóm lao động ngừng việc do điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong khu vực phong tỏa; người lao động làm việc tại các văn phòng, chi nhánh (bên cạnh NLĐ ngừng việc do nơi làm việc phải dừng hoạt động để phòng chống dịch).

Với hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người lao động mất việc, bổ sung thêm nhóm lao động mất việc do phải cách ly y tế, trong khu vực phong tỏa, do DN phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước nên phải bố trí lại sản xuất.

Bổ sung hỗ trợ 1 triệu đồng với người cao tuổi và người khuyết tật nặng trở lên phải điều trị COVID-19, phải cách ly y tế.

Với hỗ trợ hộ kinh doanh 3 triệu đồng/hộ, ngoài hộ đăng ký kinh doanh, bổ sung hỗ trợ thêm nhóm: hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối; những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

Theo công bố từ Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê – ông Phạm Hoài Nam trong cuộc họp báo ngày 12/10, tính riêng trong quý 3/2021, Việt Nam có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động cho hay tính chung trên cả nước, thu nhập bình quân của người lao động 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 877.000 đồng/tháng so với quý trước. Riêng tại TP.HCM, thu nhập của người lao động từ hơn 9 triệu đồng/tháng giảm xuống chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng, là mức giảm sâu nhất được ghi nhận trên cả nước. Nguyên nhân do TP.HCM giãn cách quá lâu.

Tính từ tháng 7 đến ngày 15/9, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp để về quê, bà Mai cho hay. Theo đó, con số này chưa bao gồm số lao động đã rời về quê từ ngày 15/9 tới nay.

Nguyễn Minh

Xem thêm: