Google mới đây đã bị yêu cầu trả gần 1 tỷ euro (khoảng 26.000 tỷ VNĐ) cho chính phủ Pháp do cáo buộc về hành vi gian lận thuế. Quyết định này được đưa ra khi các nhà chức trách châu Âu đang tìm kiếm phương án để hạn chế tình trạng trốn thuế trên các sản phẩm số.

Google chi gần 1 tỷ euro dàn xếp điều tra trốn thuế ở Pháp
(Ảnh: Getty Images)

Theo đó, Google đã đồng ý trả số tiền phạt nêu trên như thỏa thuận được dàn xếp giữa tập đoàn công nghệ này và chính phủ Pháp, căn cứ vào các cuộc điều tra của các nhà chức trách diễn ra kể từ năm 2015.

Cụ thể, hôm 12/9 vừa qua, tòa án Paris đã thông qua mức phạt là 500 triệu euro về tội trốn thuế và thêm 465 triệu euro để giải quyết các đơn kiện của cơ quan thuế tại Pháp.

Các nhân viên điều tra thuế kết luận rằng Google đã không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế bắt buộc khi không khai báo hoạt động của mình trên lãnh thổ Pháp với chính quyền.

(Thỏa thuận này cho phép) dàn xếp toàn bộ các tranh chấp về thuế diễn ra trong quá khứ”, ông Antonin Levy, một trong số các luật sư của Google, cho biết tại tòa án ở Paris.

Bộ trưởng Tư pháp Nicole Belloubet và Bộ trưởng Ngân sách Gerald Darmanin của Pháp đã lên tiếng ủng hộ việc “giải quyết dứt điểm” tất cả các vấn đề gây tranh cãi. “Kết quả này mang đến tin tốt cho sự công bằng về tài chính ở Pháp,” hai vị bộ trưởng cho hay.

>> Cựu nhân viên tiết lộ Google can thiệp bầu cử 2016 và 2020 chống Trump

Theo ông Belloubet. thỏa thuận đã chỉ ra rằng chính quyền Pháp có những công cụ đảm bảo cho một hệ thống thuế công bằng. “Đây là vụ dàn xếp chưa từng có trong lịch sử về tài chính công ở quốc gia chúng tôi và bởi nó đánh dấu cho sự kết thúc của một kỷ nguyên”, ông Darmanin phát biểu.

Google cho biết: “Chúng tôi vẫn tin rằng, việc cải cách hệ thống thuế quốc tế được điều phối tốt là cách tốt nhất mang đến khuôn khổ rõ ràng cho các công ty đang hoạt động trên toàn cầu.”

Cải cách về thuế sẽ diễn ra?

Google, có công ty mẹ là Alphabet, nộp rất ít thuế ở châu Âu do khai báo hầu hết các khoản thu nhập của mình ở Ireland, nơi có mức thuế doanh nghiệp là 12,5%. Sở dĩ thực hiện được điều này là do các lỗ hổng trong hệ thống luật thuế quốc tế, nhưng cũng còn phụ thuộc vào các nhân viên của Google ở Dublin (Ireland) xử lý các hợp đồng thương mại.

Đây là cách thức mà nhiều tập đoàn đa quốc gia thường hay áp dụng. Cụ thể, họ công bố lợi nhuận từ các hoạt động trên khắp châu Âu về một quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ các nước đang bắt đầu kiểm soát thực trạng này.

Pháp đang dẫn đầu trong việc tái cấu trúc thuế đối với các hoạt động kỹ thuật số. Hồi tháng 7/2019, quốc gia này đã tiên phong trong việc đánh thuế 3% đối với các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Amazon và Google theo luật thuế mới có tên GAFA (viết tắt chữ cái đầu của 4 tập đoàn công nghệ là Google, Apple, Facebook, Amazon). Động thái trên đã “châm ngòi căng thẳng” với Washington. Dù vậy, chính phủ Anh cho biết họ cũng sẽ xem xét thực hiện theo.

Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Pháp hồi tháng 8/2019, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ hướng đến việc phác thảo một hiệp định toàn cầu về đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số trước thời điểm tháng 1/2020 và thành lập ra một tòa trọng tài nhằm giải quyết tranh các chấp thuế.

Pascal Saint-Amans, người đứng đầu phụ trách các cuộc đàm phán về chính sách thuế tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, phát biểu với hãng tin AFP (Pháp) rằng quá trình trên đang được thực hiện, tuy nhiên, vẫn cần phải tiến hành đàm phán một số vấn đề quan trọng mới có thể đạt được thỏa thuận chung.

Theo DW, Reuters
Phan Anh