Google đang tích cực dịch chuyển sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á, nhằm phục vụ cho tham vọng phát triển phần cứng ngày càng tăng của ông lớn này.

Embed from Getty Images

Google đang tích cực dịch chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ngày 28/8, Nikkei Asia Review dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Google đã làm việc với các đối tác trong mùa hè vừa qua về việc chuyển đổi một nhà máy cũ của Nokia tại Bắc Ninh, Việt Nam thành cơ sở sản xuất smartphone Pixel. Do Samsung đã phát triển chuỗi cung ứng smartphone ở tỉnh này mười năm trước, vì vậy Google sẽ có một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết họ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9 sắp tới. Các mặt hàng như điện thoại di động và máy tính xách tay cũng sẽ phải chịu mức thuế 15% từ ngày 15/2. Để tránh bị áp thuế, hơn 50 công ty toàn cầu, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ đã thông báo hoặc cân nhắc về kế hoạch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. 

Việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam cũng cho thấy nỗ lực của Google trong việc tránh khỏi ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như chi phí lao động ngày càng gia tăng tại Trung Quốc. Theo Nikkei Asia Review, ông lớn này có kế hoạch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất phần cứng, bao gồm cả điện thoại Pixel và Google Home ra khỏi Trung Quốc.

Gần 70% smartphone của Google được bán tại thị trường Mỹ

Dây chuyền sản xuất của Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng của Google ở phân khúc smartphone. Nguồn tin của Nikkei Asia Review còn tiết lộ, trong năm nay, Google đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu thiết bị, gấp đôi so với một năm trước. Theo công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint, mặc dù thương hiệu smartphone Google Pixel vẫn chưa thực sự có tên tuổi hay lọt vào top 10 toàn cầu, nhưng hiện dòng điện thoại này đang phát triển nhanh chóng.

Sau khi dòng điện thoại Pixel giá tầm trung của Google ra mắt vào tháng 4, ông lớn này đã trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ năm tại Mỹ trong quý II/2019. Công ty nghiên cứu IDC cho biết Google đã xuất xưởng 4,1 triệu smartphone trong nửa đầu năm nay, chủ yếu nhờ Pixel 3A, có giá 399 USD.

Trước đó, năm 2018, số lượng smartphone bán ra tại Mỹ chiếm tới 70% tổng doanh số smartphone của Google, tiếp sau đó là tại thị trường Anh và Nhật Bản. Với mặt hàng loa thông minh, Mỹ chiếm khoảng 64%.

Để không bị ảnh hưởng đến thị trường Mỹ, Google phải chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm tránh bị áp thuế quan. Theo kế hoạch, Google sẽ chuyển một số sản xuất điện thoại di động Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay.

Đối với dòng loa thông minh, một số cơ sở sản xuất sẽ được chuyển tới Thái Lan. Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất sản phẩm phần cứng đầu tiên và cơ sở phát triển sản phẩm vẫn được giữ tại Trung Quốc.

Các công ty công nghệ toàn cầu đã rời khỏi Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, Google và nhiều hãng công nghệ khác đều tìm cách dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

Hiện HP (Hewlett-Packard) và Dell đã chuyển sản xuất máy chủ của mình ra khỏi Trung Quốc, đồng thời chuyển dây chuyền sản xuất một số sản phẩm máy tính xách tay của họ sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Apple cũng đã bắt đầu xem xét việc làm thế nào để có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, cho dù vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc (hơn 90% phần cứng được sản xuất tại đây).

Hôm 2/8, Nhà sản xuất Nhật Bản Kyocera cho biết họ sẽ chuyển cơ sở sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng vốn để bán cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan. 

Inventec Corp hôm 13/8 cũng tuyên bố chuyển cơ sở sản xuất máy tính xách tay cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong vòng một vài tháng tới.

Khoảng 70% các hãng sản xuất công nghệ xếp hạng Việt Nam là điểm đến ưa thích, phần còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

Phó giám đốc Roy C. Lee của Trung tâm đàm phán WTO & RTA của Đài Loan thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Chung Hua nhận định, cho dù Mỹ và Trung Quốc có đi đến thỏa thuận thương mại hay không, việc đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sẽ vẫn phải tiếp tục vì thực tế tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới là vấn đề dài hạn.

Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần đưa ra lời khuyên Trung Quốc đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt, trước khi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

Minh Ngọc

Xem thêm: