Chia sẻ tại buổi làm việc gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch của Grab Việt Nam cho biết: ‘Chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần’. Phát biểu được đưa ra khi chưa đến một tuần nữa phí ứng dụng của Grab dành cho tài xế sẽ tăng từ 20% cước phí lên 25% bắt đầu từ 1/10/2017.

grabBike
(Ảnh qua: economist.com)

Grab tuyên bố thống lĩnh thị trường vận tải taxi, Uber đứng trước quyết định truy thu thuế

Thị trường vận tải vào cuối quý 3.2017 đã có những chuyển biến mạnh mẽ so với hồi đầu năm. Đại diện Grab gần đây công bố, Grab đã chiến thắng trận đánh giành thị phần.

Phía Grab còn cho biết đã tuyển dụng được 100.000 lái xe các loại, vượt xa số lái xe của đối thủ Uber và các hãng taxi truyền thống.

Tuyên bố được đưa ra khi mạng internet rộ lên tin đồn Uber đang bị cơ quan thuế truy thu 66,68 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Đồng thời, Uber đứng trước nguy cơ buộc dừng hoạt động nếu không tuân thủ nghĩa vụ thuế do cơ quan thuế Việt Nam đưa ra.

Hồi đầu tháng 7, Tổng cục Thuế và cơ quan công an C46 đã có ý kiến đưa Grab và Uber vào diện thanh tra thuế vì có thông tin cho rằng cả hai công ty này đã trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Cụ thể, trong vòng 2 năm, mặc dù chiếm lĩnh thị trường, nhưng Uber chỉ trả 40 tỷ đồng tiền thuế, còn Grab chạy lỗ hơn 400 tỷ đồng năm 2016 và số thuế nộp còn thấp hơn Uber rất nhiều lần.

>> Hàng trăm ngàn lái xe Grab, Uber có nguy cơ bị truy thu thuế

Kết quả thanh tra công bố cuối tuần trước là Uber bị phạt, truy thu 66,68 tỷ đồng tiền nợ thuế. Còn  kết quả thanh tra thuế của Grab vẫn còn im hơi lặng tiếng.

Đây không phải lần đầu tiên, Uber thất bại trước Grab trên khía cạnh thực thi chính sách.

Cách đây một năm, đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Uber cũng đã bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối, trong khi Đề án tương tự của Grab được thông qua trước 2 năm.

Mặc dù ra đời sau và chỉ phục vụ khách hàng 6 nước Đông Nam Á, nhưng Grab đã vượt qua đối thủ Uber một cách ngoạn mục.

Uber sở hữu phần mềm thông minh hơn nhưng vẫn bị lép vế trước Grab vì không thể bắt kịp các nhu cầu địa phương. Grab đã đi nhanh hơn Uber ở các bước chấp nhận thanh toán tiền mặt, các chiêu khuyến mại khách hàng và chiêu thức tuyển mộ lái xe. Grab cũng tiên phong cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ.

Ứng dụng công nghệ không phải là yếu tố cốt lõi

Về phía các hãng taxi truyền thống, trong vài tháng qua, cũng dễ dàng nhận thấy sự chuyển mình tích cực của các doanh nghiệp này.

Nhiều hãng taxi truyền thống đã âm thầm chuyển đổi một phần hoạt động kinh doanh sang hình thức xe hợp đồng điện tử.

Cụ thể, ngay sau buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải bất thành vào hồi tháng 7, hãng xe Mai Linh lập tức tuyên bố tung ra thị trường 1000 xe taxi công nghệ hoạt động song song với mảng taxi truyền thống để phục vụ khách hàng. Ứng dụng gọi xe được liên kết trực tiếp với hệ thống tổng đài sẵn có, đồng thời cũng là phần mềm điều hành xe của hãng.

Tuy nhiên, dù các hãng taxi có thay đổi thì cũng không thể đảo ngược tình thế thị trường.

Đại diện Grab, ông Trần Tuấn Anh cho biết: “Tính đến thời điểm này, Grab không lo lắng nhiều về đối thủ. Thị trường này đang được bơm tiền rất mạnh từ các nhà đầu tư và ngốn rất nhiều tiền chứ không chỉ đơn giản là chuyện công nghệ”.

Quả thật, từ khi đặt chân vào thị trường, Grab thực sự thu hút được nhiều người tải ứng dụng nhờ vào các chương trình khuyến mại khủng chạy quanh năm.

Chỉ cần nhập mã khuyến mại, hành khách có thể được giảm từ 20.000 – 40.000 đồng trên một chặng hành trình.

Do đó, đối với những chặng hành trình ngắn, hành khách không phải trả đồng nào.

Bộ Công thương cho biết các chương trình khuyến mại của Grab đều được đăng ký nghiêm chỉnh nhưng không cho biết cụ thể tổng giá trị khuyến mại là bao nhiêu.

Tuy nhiên, con số lỗ hơn 400 tỷ năm 2016 cũng vẽ lên phần nào bức tranh “đại hạ giá” của dịch vụ vận tải này.

Chịu lỗ ròng rã, điều Grab hướng tới là gì?

Lỗ khủng ròng rã trong thời gian dài khiến người ta không khỏi nghi hoặc là bao giờ Grab sẽ kết thúc các chương trình khuyến mại? Câu trả lời nằm chính ở mô hình kinh doanh của Grab.

Trong năm 2017, Grab liên tục nhận được các khoản đầu tư khủng từ các quỹ.

Ngày 24/7, Grab công bố nhận thêm 2,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư từ Didi Chuxing (Trung Quốc) và tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản) cũng như một số nhà đầu tư khác.

Không rõ các khoản đầu tư này được phân bổ như thế nào nhưng Việt Nam là thị trường lớn nhất của Grab chắc chắn sẽ nhận được một phần không nhỏ.

Điều này đặt ra nghi vấn rằng các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng gì ở Grab – một hoạt động kinh doanh liên tục lỗ?

Thực tế, các công ty như Uber, Grab đang sở hữu một khối lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ, chi tiết tới mức bất cứ công ty dữ liệu nào cũng mong muốn có được.

Chỉ có Grab, Uber mới có thể nắm tường tận cung đường, thói quen, vị trí, kế hoạch di chuyển của khách hàng một cách tường tận và theo thời gian thực. Nếu biết khai thác tốt, các dữ liệu này sẽ biến thành mỏ vàng, đem lại nguồn lợi khổng lồ từ quảng cáo. Các dữ liệu này trên thị trường được định giá rất cao.

Các bước cân bằng bảng cân đối kế toán sau trận đánh thị phần

Sau khi nắm vững thị phần tại Việt Nam, Grab đã thông báo tới các tài xế tham gia mạng lưới về việc tăng phí dịch vụ sử dụng ứng dụng.

Theo đó, từ ngày 5/9, các Grabiker sẽ phải trả một khoản phí 20% thay vì mức 15% trước đó; từ ngày 1/10, các tài xế Grabcar sẽ phải trả một khoản phí 25% thay vì mức 20% như hiện tại.

Mức phí này được cho là cao hơn nhiều so với mức phí trung bình khoảng 10% trong ngành vận tải taxi.

Việc tăng phí của Grab đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của các tài xế Grab.

Trên mạng xã hội, cộng đồng lái xe Grab đã kêu gọi tắt ứng dụng để phản đối sự điều chỉnh trên.

Tuy nhiên sự phản kháng xảy ra không lâu bởi nhiều lái xe vẫn phải tiếp tục hành trình mưu sinh của mình.

Nguyên Hương

Xem thêm: