Với đợt bùng phát lần thứ 3 của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), 9,1 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực, trong đó hơn nửa triệu người mất việc, số còn lại phải tạm ngừng kinh doanh, bị giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ luân phiên…

nong dan thai binh
Ngư dân vùng biển Đồng Châu, Thái Bình, ngày 20/1/2021. (Ảnh minh họa: Thi/Shutterstock)

Sáng 16/4, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 1/2021.

Với đợt bùng phát kéo dài khoảng 2 tháng, từ 28/1 (cận Tết Nguyên đán) kéo dài tới cuối tháng 3, 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 – 54 chiếm gần 2/3.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6%, trong khi con số này ở nông thôn là 10,4%.

Xét theo khu vực, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động ít chịu tác động nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động chịu tác động tiêu cực.

Mỗi ngày gần 450 DN rút khỏi thị trường; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao

Làn sóng dịch lần 3 cũng chặn đà phục hồi của thị trường lao động. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, số lao động thiếu việc làm tăng đáng kể, tổng cộng 971,4 nghìn người, tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,2%; tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi trong quý này là gần 1,1 triệu người, giảm 137 nghìn người so với quý trước, tuy nhiên vẫn tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh việc làm giảm chung, điểm sáng là thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý ở mức 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).

Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, như các ngành: nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (giảm 359.000 đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (giảm 234.000 đồng).

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Năng suất lao động Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia