Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế, thời gian qua rất nhiều tập đoàn lớn đã buộc phải tiến hành các biện pháp cắt giảm nhân sự hoặc cho nhân viên nghỉ không lương.

Trụ sở Ngân hàng HSBC tại Anh
Trụ sở Ngân hàng HSBC tại Anh (Ảnh: Shutterstock)

Bangkokpost hồi đầu tháng 2 đưa tin, General Motor đã xác nhận cắt giảm 1.500 nhân công ở Thái Lan từ tháng 6 tới. Ông Jak Punchoopet, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan nói với Reuters rằng, tất cả các nhân viên của nhà máy Rayong, Thái Lan sẽ bị sa thải theo các điều khoản trong thỏa thuận bán GM với Great Wall của Trung Quốc, bao gồm ngừng bán xe mang thương hiệu Chevrolet tại đây. Cụ thể, GM sẽ thực hiện kế hoạch sa thải 1.000 nhân viên trong dây chuyền sản xuất phụ tùng ô tô vào tháng 6, sau đó khoảng 300-400 trong dây chuyền lắp ráp vào tháng 10 và tiếp tục sa thải đội ngũ nhân viên tại 2 nhà máy vào cuối năm nay.

Cũng tại Thái Lan, hơn 1.200 nhân công của hãng trang sức Pandora nổi tiếng vòng đeo tay cũng bị sa thải khi mà hiện CEO mới hãng đang tìm cách xoay chuyển tình thế khó khăn trong bối cảnh doanh số bán hàng của hãng trang sức này đang có xu hướng suy giảm. Theo đó, sau khi sa thải nhân viên, Pandora dự kiến sẽ tăng thêm chi phí phí tiếp thị nhằm lôi kéo khách hàng. Pandora hiện đang thuê khoảng 14.000 nhân công ở Thái Lan, chiếm gần một nửa trong tổng số 32.000 nhân viên của hãng này trên toàn cầu.

Còn với HSBC, một phần do lợi nhuận thường niên giảm 1/3 trong năm 2019, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy hoạt động tại Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông, Ngân hàng này đang có kế hoạch giảm 35.000 nhân viên từ 235.000 xuống còn 200.000, tương tương cắt bỏ 15% lực lượng lao động trong ba năm tới. Biện pháp này nhằm giúp công ty hướng tới giảm 4,5 tỷ USD chi phí vào năm 2022.

Không chỉ các ngành sản xuất hay ngân hàng, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 là hàng không. Một loạt các hãng hàng không lớn đang phải vật lộn khi dịch bệnh lây lan khắp toàn thế giới và đưa ra nhiều biện pháp khắc phục.

Hãng hàng không Hồng Kông Airlines đã buộc phải sa thải 400 nhân viên, trong khi những người còn lại được yêu cầu nghỉ tối thiểu hai tuần không lương mỗi tháng hoặc làm việc 3 ngày một tuần, từ ngày 17/2 cho đến hết tháng 6. Hãng hàng không này cũng thẳng thắn thừa nhận đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính.

Malaysia Malindo Air cũng cắt giảm tới 50% tiền lương và yêu cầu nhân viên nghỉ không lương luân phiên 2 tuần trong vài tháng tới. 

AIR BUSAN shutterstock 210795619
(Ảnh: Shutterstock)

Air Busan, hãng hàng không giá rẻ của Asiana Airlines, Hàn Quốc cho hay, nhân viên của hãng sẽ nghỉ phép không lương tự nguyện từ tháng 3. Các nhân viên có 3 lựa chọn: làm việc 4 ngày/tuần, nghỉ 15 ngày hoặc 30 ngày không lương. Đồng thời, hãng cũng cắt giảm lương của giám đốc điều hành và trưởng bộ phận tương ứng lên tới 30% và 10%. 

Hôm 5/2, CEO Cathay Pacific Augustus Tang yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ không lương 3 tuần, thay phiên nhau trong những tháng tiếp theo. Trước đó, Cathay Pacific cũng đã thông báo cắt giảm gần 30% số chuyến bay trên toàn thế giới trong 2 tháng tiếp theo, riêng các chuyến bay tới Trung Quốc Đại lục bị cắt giảm gần 90%.

Emirates, hãng hàng không lớn nhất Trung Đông cũng yêu cầu nhân viên nghỉ không lương 1 tháng do nhiều chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới. Emirates hiện đã ngừng khai thác các chuyến bay tới Iran, Bahrain và phần lớn Trung Quốc. 

united airline shutterstock 1017791569
(Ảnh: Shutterstock)

Hồi cuối tháng 2, Hãng hàng không United Airlines của Mỹ khuyến khích nhân viên nghỉ phép không lương vào thời điểm đang giảm lịch bay. Theo CNBC, cuối tháng 2 vừa qua, United Airlines đã đề nghị các phi công nghỉ trong một tháng vào tháng 4 với mức lương tương đương 50 giờ làm việc (giảm so với mức 80 giờ như trước đây). Hãng cho biết đã cắt giảm 100% các chuyến bay đến Trung Quốc, các đường bay khác cũng đang giảm tần suất do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành hàng không Ý cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng do lượng hành khách suy giảm vì dịch COVID-19. Tại vùng Veneto, các sân bay Venice, Treviso và Verona đã ghi nhận mức giảm 60% lượng hành khách, tương đương 22.000 lượt mỗi ngày. Theo ông Enrico Marchi, Chủ tịch Công ty quản lý hàng không Veneto, đơn vị này đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp trong tình huống tồi tệ nhất, phải tính đến khả năng đóng cửa tạm thời sân bay Treviso. Việc cắt giảm nhân viên cũng đang được tính đến.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: