Đến nay, sau gần 2 năm hoàn thành đầu tư, nhiều tua-bin điện gió tại Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Nông,… vẫn nằm im chờ đợi thỏa thuận hoàn tất với Tập đoàn EVN. Doanh nghiệp đuối sức về tài chính vì không bán được điện, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư lãng phí. Trong khi EVN vừa báo lỗ hơn 44.900 tỷ đồng từ năm 2022 đến nay với lý do “giá nhiên liệu tăng cao”.

dien gio dien mat troi nang luong tai tao ninh thuan 2286632745
Tập đoàn EVN liên tục báo lỗ tỷ USD nhưng hiện đang để nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời “nằm im” lãng phí. (Ảnh: Tu Teo Teo/Shutterstock)

Theo đó, giữa bối cảnh nguy cơ thiếu điện, đặc biệt ở miền Nam thì có một nghịch lý là hàng loạt cột điện gió đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng điện để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lại nằm im bất động, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng điện gió ở các tỉnh thành như: Ninh Thuận, Quy Nhơn, Gia Lai, Đắk Nông, v.v… Trong đó, một số ít được ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo giá FiT.

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp khác đã không thể thỏa thuận giá bán với EVN vì nhiều nguyên nhân, trong đó việc vướng “cơ chế” là lý do chính tắc nghẽn, sau giai đoạn kêu gọi đầu tư rầm rộ thì việc chậm ban hành chính sách cụ thể khiến nhà đầu tư lao đao.

Đơn cử như Dự án của Công ty CP Điện gió Hanbaram (Ninh Thuận) là một trong những dự án bị chậm giá ưu đãi (FiT) nên hơn 20 tua-bin của dự án này không thể quay, không được bán điện cho EVN, theo Việt Nam Net.

“Nhiều người không biết thì bảo vì trời không đủ gió nên tua-bin không quay nhưng thực ra không phải. Nhà đầu tư họ cho dừng từ rất lâu rồi. Thậm chí có những trụ từ khi xây xong còn chưa được hoạt động”, bà Dương Tám (một người dân địa phương) cho biết.

Nhà đầu tư cho rằng mức giá trần để đàm phán mà Bộ Công thương đưa ra (giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh) là rất thấp, “cách quá xa” với mức giá ưu đãi hơn 1.900 đồng/kWh áp dụng cho dự án vận hành trước 1/11/2021, cũng theo Việt Nam Net.

“Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tua-bin điện gió hơn 150 tỷ đồng, nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào.

Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T nói hôm 20/3.

Theo đại diện T&T Group, các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo kiến nghị Bộ Công thương cần tính toán lại khung giá điện dựa trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập.

Tập đoàn EVN mới công bố số lỗ hơn 44.900 tỷ đồng trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 vì lý do “giá nhiên liệu tăng cao”. Nhiều doanh nghiệp và người dân bức xúc khi EVN thua lỗ kéo dài, trong khi hàng nghìn tỷ đồng và công suất dư thừa của điện gió, điện mặt trời lại không được sử dụng.

Tuấn Minh