Ngày 23/6, hãng xe BMW của Đức cho biết một nhà máy mới ở Trung Quốc đã chính thức sản xuất với tổng mức đầu tư khoảng 2,24 tỷ USD, nhắm tới mục tiêu tăng sản lượng ôtô điện của hãng xe này.

BMW lập nhà máy ở Trung Quốc sản xuất ô tô diện nhà máy BMW ở Trung Quốc 678194836
BMW lập nhà máy thứ ba ở Trung Quốc với mục tiêu tăng gần 20% sản lượng ôtô so với năm 2021. (Ảnh minh họa: Testing/Shutterstock)

Nhà máy Lydia là cơ sở lắp ráp ôtô thứ ba của BMW tại Trung Quốc, được đặt ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Mục tiêu của BMW là tăng số lượng từ 700.000 xe vào năm 2021 lên 830.000 xe, tăng khoảng gần 20%.

Theo BMW, nhà máy này được đầu tư 2,24 tỷ USD và có thể giúp BMW đẩy nhanh việc sản xuất xe điện (EV). Nhà máy được thiết kế để có khả năng sản xuất xe điện chạy bằng pin chỉ theo nhu cầu thị trường trên dây chuyền sản xuất linh hoạt của BMW.

Mẫu xe đầu tiên sẽ lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của nhà máy Lydia là BMW i3, một chiếc sedan thể thao cỡ trung thuần điện, BMW cho biết.

Mặt khác, hãng xe điện Tesla và các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc như BYD thống trị thị trường EV ở Trung Quốc, với doanh số tăng hơn gấp đôi so với một năm trước.

Gần một phần tư số xe được bán tại Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay được cung cấp năng lượng bằng pin, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc.

Trong khi đó, BMW đã bán được 208.507 xe tại Trung Quốc trong quý đầu tiên, đây thị trường lớn nhất của hãng này. Tuy vậy, con số đã đánh dấu mức giảm 9,2% so với một năm trước, theo báo cáo của công ty.

Zero-COVID và hệ lụy cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm cả Tesla

Hiện chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-COVID, phong tỏa diện rộng khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tổn thất lớn cho các doanh nghiệp.

Theo khảo sát mới đây trong tháng 6 của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải cho thấy 25% các công ty tiêu dùng – dịch vụ và 20% các công ty sản xuất đã giảm kế hoạch đầu tư của họ, chỉ có một người trả lời có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Thượng Hải

Cuộc khảo sát được thiết kế để đánh giá tác động của lệnh phong tỏa COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) ở Thượng Hải đối với các công ty nước ngoài. Bảng khảo sát này đã nhận được phản hồi từ 133 công ty thành viên, bao gồm 69 từ lĩnh vực sản xuất và 64 từ lĩnh vực tiêu dùng – dịch vụ.

Trong đó, có 93% số người được hỏi đã cắt giảm dự báo doanh thu của họ trong năm 2022, với 25% số người được hỏi dự kiến doanh thu sẽ thấp hơn ít nhất 20% so với dự kiến ban đầu. Con số này lên tới 36% đối với các công ty tiêu dùng và dịch vụ.

Báo cáo cho biết chỉ 35% các nhà sản xuất đang hoạt động hết công suất trong khi con số này là 27% đối với các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ.

Trong số những người chưa hoạt động hết công suất, 71% báo cáo công nhân của họ không được phép di chuyển tự do giữa nhà và nơi làm việc, trong khi hơn một nửa nói rằng việc có quan hệ tốt với các ủy ban khu phố là cần thiết để hoạt động

Trước đó, hãng xe Tesla của Mỹ đã chịu tình cảnh cắt giảm quy mô sản xuất và thiệt đơn, thiệt kép vì các lệnh phong tỏa bất ngờ của chính quyền Bắc Kinh.

Vào tháng 4, theo Bloomberg, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã phải ngừng hoạt động gần 3 tuần do thành phố phong tỏa, nếu sản xuất với tốc độ khoảng 2.100 xe/ ngày thì hãng này đã tổn thất sản lượng xe điện lên đến 39.900 chiếc.

Với tình trạng bất ổn định như vậy, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia cho biết đã có động thái di chuyển các nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc, điểm đến có thể là các quốc gia Đông Nam Á.

Đức Minh (t/h)