Nhịp sống bình thường quay trở lại, hàng quán bắt đầu mở cửa nhiều hơn làm gia tăng nhu cầu về thức uống có cồn ở Việt Nam. Do đó, Công ty Sabeco đang tăng sản lượng thêm 250 triệu lít/năm để phục vụ một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.

bia sabeco thị trường bia 1167799675
Sabeco đầu tư thêm một nhà máy ở miền Trung trị giá 28 triệu USD, tăng sản lượng thêm 250 triệu lít mỗi năm. (Ảnh minh họa: WeiShen/Shutterstock)

Sau khi Việt Nam dỡ bỏ hầu hết các lệnh phong tỏa và thủ tục phòng ngừa dịch COVID-19, cũng như mở rộng cánh cửa du lịch quốc tế từ hôm 15/3, thị trường thức uống có cồn, đặc biệt là bia đang trở lại như một thói quen của người Việt Nam.

Các nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ đêm đang dần mở cửa để đón các lượt khách địa phương cũng như một số khách quốc tế, tuy chưa nhiều nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Thương hiệu bia Sài Gòn và bia 333 (Công ty Sabeco) đang tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Thị trường bia Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á.

“Chúng tôi đã vượt qua một năm 2021 rất khó khăn, trong khi vẫn chăm sóc cho nhân viên, đối tác và cộng đồng của chúng tôi”, Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc của Sabeco, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam cho biết. “Với tình hình COVID-19 được cải thiện, ngăn chặn sự leo thang hơn nữa trong cuộc chiến Ukraine-Nga, năm 2022 có vẻ đầy hứa hẹn”.

Sabeco đã chi khoảng 650 tỷ đồng (28 triệu USD) lắp đặt thiết bị chiết rót tiên tiến tại một nhà máy ở miền Trung Việt Nam, giúp mở rộng công suất sản xuất bia hàng năm lên khoảng 250 triệu lít. Công ty này cho biết khối lượng đó đánh dấu sự gia tăng khoảng 150% so với năm 2010.

Công ty đang đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 35.000 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 32% so với năm trước, với lợi nhuận ròng hợp nhất tăng khoảng 17% lên 4.500 tỷ đồng.

Các nhà phân tích tại chi nhánh Việt Nam của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) cho biết họ kỳ vọng ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam sẽ phát triển mạnh với mức tiêu thụ bia “đặc biệt có khả năng tiến gần đến mức trước đại dịch”.

Thai Beverage là công ty mẹ của Sabeco sau khi mua khoảng 53% số cổ phần đang lưu hành trong nhà sản xuất bia từ Chính phủ Việt Nam với giá tương đương khoảng 4,8 tỷ USD vào năm 2017.

Việt Nam là nước tiêu thụ bia số 1 ở Đông Nam Á và lớn thứ 9 trên thế giới, theo công ty đồ uống Nhật Bản Kirin Holdings, với nhu cầu có khả năng tăng hơn nữa khi dân số trẻ lớn đến tuổi trưởng thành.

Lợi nhuận ròng năm 2021 của Sabeco đã giảm 20% so với một năm trước đó xuống còn khoảng 3.900 tỷ đồng khi COVID-19 bùng phát ở  Việt Nam, mức thấp nhất kể từ khi công ty nằm dưới sự kiểm soát của ThaiBev.

Sabeco cũng đã phải chịu đựng sự quản lý chi phí lỏng lẻo, một di sản tiêu cực từ thời điểm nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Sabeco hiện đang làm việc để số hóa các quy trình kinh doanh như quản lý hàng tồn kho, bán hàng và hậu cần.

Các nhà sản xuất bia cũng có thể phải chuẩn bị cho sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ đối với việc bán rượu khi thị trường phát triển. Các nhà chức trách đã đưa ra các hình phạt mới đối với việc lái xe trong tình trạng say rượu vào đầu năm 2020, mặc dù những hình phạt này không phải lúc nào cũng được thực thi nghiêm ngặt.

Theo EuroMonitor, năm 2019, Sabeco dẫn đầu chiếm thị phần 39,6%; tiếp đến là Heneiken 33,5%; đứng thứ ba là Habeco và một số thương hiệu khác như: Carlsberg, HBL,… chiếm số thị phần còn lại.

Đức Minh dịch, theo Nikkei Asia