Xe chở nông sản, trái cây xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục “thông lệ” ùn tắc thời gian gần đây. Hôm 29/3, Ban quản lý Khu kinh tế Đồng Đăng cho biết tổng số xe container ‘nằm chờ’ tại các cửa khẩu Lạng Sơn lên tới hơn 810 xe.

cua khau lang son cua khau tan thanh cua khau huu nghi un tac nong san
“Đến hẹn lại lên”, việc ùn tắc nông sản ở cửa khẩu phía Bắc Việt Nam – Trung Quốc đã thành thông lệ hằng năm. (Ảnh minh họa: baolangson.vn)

Trong đó, lượng xe container nằm chờ có 665 xe chở hoa quả và 149 xe chở các hàng hóa khác. Số xe thông quan xuất khẩu hôm 29/3 là 511 xe và nhập khẩu là 587 xe, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đồng Đăng.

Tính đến 20h ngày 29/3, lượng xe ùn ứ nằm ở cửa khẩu Hữu Nghị là 334 xe (trong đó 300 xe chở hoa quả).

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, số xe tồn lên đến 410 xe (328 xe hoa quả), nhiều nhất trong các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Cửa khẩu Cốc Nam lượng tồn là 40 xe.

Bà Hoàng Thị Lê, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở khu vực cửa khẩu cho hay những ngày này có những xe hàng phải mất 4 – 5 ngày để thông quan, trong khi trước chỉ cần 1 – 2 ngày khiến chi phí của doanh nghiệp gia tăng, theo báo Lao Động.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết một số ngày gần đây lại tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu tỉnh này. Ông Tường nhận định tình hình hiện tại đang diễn ra cục bộ và sẽ  nhanh chóng giải quyết.

Trước đó, vào năm 2022, trong một thời gian dài do phía Trung Quốc áp đặt chính sách Zero-COVID đối với cửa khẩu khiến tình trạng ùn tắc xe container kéo dài hàng tháng liền. Lúc cao điểm có hơn 10.000 xe container nằm im ở cửa khẩu các tỉnh phía Bắc.

Hệ lụy các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu tổn thất lớn khi hoa quả hư hỏng, chi phí vận tải,… mỗi xe ước tính hơn 500 triệu đồng tiền chi phí.

Ngoài ra, do không xuất khẩu được qua Trung Quốc, hàng loạt trái cây trong nước rớt giá và người nông dân phải chặt bỏ cây vì không còn tiền tiếp tục sản xuất.

Trọng Minh