Bộ Công thương Việt Nam phát đi thông báo về việc Hải quan Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) tại cửa khẩu với hàng hoá nhập khẩu, gồm cả hàng đông lạnh từ ngày 8/1/2023. Theo nhiều nguồn tin, số ca nhiễm ở Trung Quốc bùng phát dữ dội và khiến nhiều người chết, chuyên gia lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh mở cửa du lịch đột ngột có thể gây ra thảm họa đại dịch như năm 2020 với một chủng biến thể COVID-19 chưa được xác định.

cua khau tan thanh
Trong bối cảnh COVID bùng phát mạnh, chính quyền Trung Quốc muốn mở cửa và ngừng xét nghiệm COVID ở cửa khẩu phía Bắc từ ngày 8/1/2023. (Ảnh minh họa: baolangson.vn)

Theo Bộ Công Thương, quy định này sẽ được hải quan Trung Quốc áp dụng từ ngày 8/1/2023, đồng thời với thời điểm cho phép người dân Trung Quốc ra nước ngoài (mở cửa dần du lịch).

Động thái này được chính quyền Trung Quốc đưa ra sau khi nước này thông báo mở cửa trở lại, nới lỏng chính sách “Zero-COVID” nước này đã áp đặt lên người dân trong gần 3 năm qua.

Trước động thái nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh với hàng hoá nhập vào Trung Quốc, Bộ Công thương đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới.

Tuy vậy, trước làn sóng bùng dịch COVID-19 đang lan rộng ở Trung Quốc khiến giới chuyên gia nước ngoài lo ngại rằng có những chủng biến thể mà chính quyền Bắc Kinh đang che giấu, có thể gây ra sự lây lan tương tự từ du khách Trung Quốc như năm 2020.

Trong khi các nước khác đã mở cửa từ đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero-COVID”, nên hàng hoá xuất sang nước này bị siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Việc này dẫn tới nhiều thời điểm, nhất là cuối năm, hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc Việt Nam, khiến hàng ngàn tấn nông sản hư hỏng, phải đổ bỏ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Với Việt Nam, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, cho rằng: “Tác động quan trọng nhất với Việt Nam là lượng khách du lịch có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023”, chuyên gia của VinaCapital nói, đồng thời dự báo đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 2% trong năm sau, theo Vnexpress.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2022, quốc gia này vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt và chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,4 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,9 tỷ USD), trong khi uất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Tuấn Minh