Theo số liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, tính đến thời điểm ngày 31/12/2016, các ngân hàng Trung Quốc đã đầu tư tới 26 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT), tức khoảng 3,8 nghìn tỷ USD, vào một loại tài sản tài chính có tên là Wealth-Management Products (WMPs), hạch toán ngoại bảng, tài sản tài chính này đã tăng tới 30% trong năm 2016.

Wealth-Management Products (WMPs) của Trung Quốc đã tăng tới 30% trong năm qua.

WMPs là gì?

WMPs tương tự như một chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nhưng lại có lợi suất cao hơn cho người mua. PBoC duy trì lãi suất thấp nên các khoản tiền gửi chỉ có lợi suất khoảng 4,35%, trong khi WMPs lại đem đến mức lãi suất cao gấp 3 lần từ 11-13%.

WMPs có thể phủ một bóng đen lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc và tăng rủi ro tín dụng với hệ thống này. Bản chất của WMPs không xấu mà người bán nó (chính là các NHTM) có thể vì chạy theo lợi nhuận mà sử dụng tiền đầu tư vào các tài sản rủi ro cao (như trường hợp đã thấy về khoản nợ dưới chuẩn của Mỹ trong cuộc khủng hoảng 2007-2008 vừa qua). Quy trình của WMPs bắt đầu từ việc các ngân hàng sẽ bán WMPs cho các nhà đầu tư và hứa sẽ trả lãi suất 11-13% cao hơn lãi suất huy động là 4,35%. Sau đó, họ dùng tiền này để đầu tư vào các tài sản khác như trái phiếu, các sản phẩm của thị trường tiền tệ.

WMPs ảnh hưởng như thế nào tới rủi ro của hệ thống ngân hàng Trung Quốc?

Việc mở rộng tài sản tài chính WMPs được xem như một dạng thức của “ngân hàng ngầm” (có thể hiểu là tín dụng phi chính thức), phần lớn dòng tiền từ tài sản này trú ngụ dưới dạng khoản vay hoặc trái phiếu, không khác gì tín dụng nhưng thực chất rủi ro cao hơn; trong khi chúng không được quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro như các khoản tín dụng thông thường. Hiện nay tốc độ tăng của loại hình tài sản tài chính này đã gấp 3 lần mức 10% của tăng trưởng tín dụng trong kỳ. Điều này làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế nói chung; vốn đang nỗ lực “giảm tăng trưởng tín dụng”, như một giải pháp nhằm cắt giảm dư cung trong sản xuất của quốc gia này.

Vừa qua, trước sự phát triển quá mức của WMPs, vốn luôn được các NHTM Trung Quốc hạch toán ngoại bảng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phải đưa cả số liệu hạch toán của WMPs vào tính toán mức độ tăng trưởng thực của tín dụng để theo dõi và giám sát, như một yêu cầu quan trọng trong khuôn khổ kiểm soát cẩn trọng vĩ mô. Động thái này sẽ khiến các NHTM Trung Quốc phải báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với con số tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở nội bảng, các NHTM sẽ phải tăng trích lập dự phòng nhằm hạn chế rủi ro từ các sản phẩm đầu tư tài chính này.

Từ cuối năm 2014, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc đã thắt chặt quy định về WMPs, phần lớn trong số đó là chứng chỉ tiền gửi không đảm bảo, đồng nghĩa với việc chúng có thể nằm ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Công cụ tài chính này là nguyên nhân then chốt gia tăng ngân hàng ngầm (tín dụng ngân hàng phi chính thức) ở Trung Quốc, và chúng đã được một số tổ chức tài chính sử dụng để mở rộng quỹ cho vay với rủi ro cao trong khi vẫn tránh được các yêu cầu cần tuân thủ về an toàn vốn.

Mọi chuyện sẽ không có gì nếu các ngân hàng tuân thủ quy định là không được đầu tư quá giới hạn nhất định (ví dụ như 35%) tổng vốn huy động được từ các WMPs vào các tài sản rủi ro như cho vay các doanh nghiệp tư nhân có độ tín nhiệm thấp, rủi ro với mức lợi tức cao và cao hơn mức lợi tức mà các ngân hàng trả cho người mua WMPs là 11-13%. Tuy nhiên, việc tuân thủ này trong một thời gian dài nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan chức năng, WMPs thậm chí được hạch toán ngoại bảng; bởi vậy, khả năng các NHTM sử dụng tiền từ sản phẩm WMPs để đầu tư vào tài sản rủi ro cao là chắc chắn.

Hầu hết các WMPs phát hành ra đều có kì hạn ngắn (short-term investments) nhưng các ngân hàng lại dùng tiền này để cho vay hoặc đầu tư vào các tài sản hạn dài (long-term investments). Đây là rủi ro kỳ hạn hết sức lớn, có thể gây ra căng thẳng thanh khoản dẫn mức đổ vỡ cho mọi hệ thống tài chính.

Minh Minh – Tâm Như

Xem thêm: