Nợ công quốc gia đang là nỗi lo chung của mọi nhà khi ngay cả em bé mới sinh cũng phải cõng hơn 1.000 USD nợ trên vai. Trong khi đó, nợ công vẫn tăng nhanh từ 50% GDP năm 2011 lên 64% GDP năm 2015. Thế nhưng, chỉ 5 dự án đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng bị thua lỗ là một bài học thật quá đắt.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

Dư luận rất quan tâm đến 5 dự án thua lỗ theo báo cáo của Bộ Công thương:

  1. Nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ đồng, qua 4 năm hoạt động đã lỗ khoảng 2.000 tỷ.
  2. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7.000 tỷ đồng đã phải tạm ngừng hoạt động.
  3. Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đầu tư 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động.
  4. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
  5. Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Hiểu thế nào về 32.200 tỷ?

Chỉ 5 dự án đã đầu tư 32.000 tỷ đồng theo nguyên giá lúc ban đầu tại thời điểm đầu tư, tương đương hơn 2 tỷ USD theo thời giá. Hai tỷ USD chiếm 1,25% GDP cả nước năm 2015 là một con số không nhỏ.

Hai tỷ đô gần tương đương với giá trị xuất khẩu những mặt hàng chủ chốt của Việt Nam. Ví dụ khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỉ USD. Với hơn 13 triệu nông dân ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long oằn mình chống chọi với hạn hán, xâm nhập mặn; với rất nhiều chi phí trong chuỗi sản xuất từ khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu mới có thể tạo ra được tổng giá trị gần 2 tỷ đô. Hai tỷ đô cũng tương đương với giá trị xuất khẩu cà phê, hoặc hạt điều, hoặc cao su trong năm 2015.

Ở một góc độ khác, 32.000 tỷ 10 năm trước, nếu tính theo lãi suất tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước công bố, có những thời kỳ trên 15%/năm thì đến nay sẽ có giá trị tương đương gấp đôi. Như vậy 32.000 tỷ đồng này là một con số không hề nhỏ.

Bài học về chủ trương đầu tư công

Dư luận rất đồng tình khi gần đây Chính phủ đã mạnh dạn bán cổ phần tại một số doanh nghiệp nhà nước, với quan điểm là nhà nước không nên bán bia, bán sữa…, nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà dân doanh không làm hoặc khó làm.

Điều này chỉ ra rằng chủ trương nhà nước đầu tư công bằng các nguồn ngân sách, nguồn vay ODA, bằng những chính sách ưu đãi thuế, lãi suất tín dụng vào những doanh nghiệp nói trên là không hiệu quả, gây mất vốn, thất thoát lãng phí, tham nhũng, tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội, đến niềm tin của nhân dân.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để phát triển kinh tế mạnh mẽ thì cần xóa bỏ những ưu đãi bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước. Thời gian qua những ưu đãi hỗ trợ quá mức đã làm hỏng một số doanh nghiệp nhà nước, thông qua bài học của “5 dự án 32.000 tỷ” đã minh chứng cho điều đó.

Bài học về đầu tư trái ngành

Trước đây, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhận thức về kinh doanh cũng chưa được chính xác, không tập trung vào chuyên môn, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, cho rằng kinh doanh không cần có nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm mà chỉ cần bỏ vốn vào là thu được lợi nhuận.

Điều nhầm lẫn lớn nhất là cho rằng tiền vốn của tập đoàn mình, hoặc đi vay ODA, vay ngân hàng chứ không phải là từ ngân sách, không phải là tiền của nhân dân, không phải là nguồn nội lực phát triển của đất nước. Khi đó lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước được trao quyền quá lớn mà thiếu vai trò kiểm soát của nhà nước nên đã dẫn đến thất thoát, mất vốn của nhân dân rất lớn.

Chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với nguồn lực lớn nhất của quốc gia chủ yếu thu được từ khai thác dầu khí, đã đầu tư ra ngoài ngành rất nhiều vào những nghề đòi hỏi kinh nghiệm như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.

Điều lạ là PVN đã đầu tư vào một dự án ngành dệt là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, một lĩnh vực quá xa với dầu khí, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư. Thực tế, đến ngày 30/6/2016, vốn chủ sở hữu nhà máy đã bị âm 823 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 3.008 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi – tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6), một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy lại đầu tư vào Dự án Bột giấy Phương Nam để tiêu 3.000 tỷ đồng rồi bán thanh lý vì càng vận hành càng lỗ. Nguyên nhân tạm ngừng hoạt động được cho là do chi phí sản xuất cao khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường dẫn tới thua lỗ.

Bài học về lựa chọn nhà thầu và thiết bị Trung quốc

Câu chuyện thứ nhất: Lỗ hàng trăm tỷ vì công nghệ Trung Quốc đó là bài học của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình có quy mô vốn 700 triệu USD, từ khi đi vào vận hành đến nay lỗ 2.000 tỷ đồng, càng ngày càng lỗ nên hiện nay đang tạm dừng.

Nguyên nhân chính là chi phí cao, công nghệ lạc hậu, chi phí lãi vay đầu tư tăng cao… nên giá thành sản xuất của Nhà máy đạm Ninh Bình lên rất cao so với các nhà máy sản xuất phân đạm khác ở trong nước. Đây là một điển hình thất bại khi chọn Tổng công ty Tư vấn và Thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Quốc làm tổng thầu.

Dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình và thường xuyên xảy ra sự cố.

Câu chuyện thứ hai: Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã “đắp chiếu” từ giữa năm 2012 sau khi thi công được 60% tiến độ công trình.

Dự án do Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng công trình). Năm 2007 khởi công dự án, thuộc nhóm A với các nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng, ngay sau khởi công đã bị dừng. Năm 2009 dự án mới khởi động trở lại nhưng đã bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng.

Do vốn đầu tư đội lên quá lớn, việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn, đến tháng 7/2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần 2 khi đã xây dựng được khoảng 60% khối lượng với tổng vốn giải ngân lên đến hơn 4.500 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm. Nếu khởi động lại, dự án phải có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng, tức thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa, nhưng chưa rõ hiệu quả.

Đến nay, Công ty TISCO đã chi cho dự án trên 4.565 tỷ đồng, số tiền này chủ yếu vay từ Ngân hàng Phát triển và các ngân hàng thương mại, mỗi tháng đang phải chịu khoảng 30 tỷ đồng tiền lãi vay, tức mỗi ngày phải trả khoảng 1 tỷ tiền lãi.

Đây là một điển hình khi lựa chọn tổng thầu Trung quốc, lúc đầu họ đưa giá rất rẻ, nhưng thường sau đó bị đội vốn hơn gấp đôi, do chi phí tăng cao nên giá thành cao và thường là phải “đắp chiếu” dự án, gây hệ lụy rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội tại địa phương nơi đầu tư.

Lãng phí nguồn vốn làm mục ruỗng ngân khố quốc gia, làm cho đất nước đói nghèo, mất cơ hội phát triển. Hệ lụy đối với người lao động phải mất việc làm và người dân ở nơi có dự án là rất lớn. Ví như ở dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, toàn bộ vùng nguyên liệu đay đã bị xóa xổ, hàng ngàn nông dân vùng nguyên liệu điêu đứng trong đói nghèo.

Trong khi rất nhiều người dân Việt Nam còn đang đói khổ, cuộc sống rất khó khăn, học sinh miền núi không đủ quần áo rét, không có đủ gạo ăn thì với số tiền đã mất do sự lãng phí này có thể giải quyết được biết bao nhiêu vấn đề, có thể giải cứu được biết bao mảnh đời nghèo khó, bất hạnh… Hãy thử nghĩ, nếu những đồng tiền đó được đầu tư đúng hướng, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội và thu hồi vốn đầu tư để trả nợ ODA, trả nợ nước ngoài thì nợ công sẽ không tăng cao đến thế.

Tâm Sáng

Xem thêm: